Lâm Đồng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Lâm Đồng được giao trên 7.537 tỷ đồng (bao gồm vốn Thủ tướng Chính phủ giao và vốn địa phương triển khai thêm). Theo kế hoạch trước đó, đến cuối tháng 2/2023, toàn tỉnh giải ngân được trên 1.531 tỷ đồng, đạt trên 20% kế hoạch vốn giao. Báo cáo mới nhất cho thấy, hiện tỉnh Lâm Đồng đang đứng trong top các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm đạt cao nhất cả nước.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ quý đầu của năm, tỉnh Lâm Đồng đã và đang kiện toàn lại công tác kiểm tra, giám sát giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là tại các dự án, công trình trọng điểm.
Đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), báo cáo từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng về hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hoá, giảm nghèo... đã có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 77,67 triệu đồng (tăng 14,77 triệu đồng so với năm 2020), tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 92% (tăng 2% so với năm 2020), tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%, tăng 0,5%. Toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo thống kê, năm 2022, tổng nguồn vốn phân bổ thực hiện 3 CTMTQG trên 408 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương là gần 242 tỷ đồng, đối ứng ngân sách địa phương trên 166 tỷ đồng. Tính tới tháng 1/2023, số vốn này giải ngân được trên 330 tỷ đồng, đạt 81% kế hoạch. Đối với nguồn vốn năm 2023, tổng số vốn phân bổ năm 2023 trên 446 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 274 tỷ đồng và đối ứng ngân sách địa phương trên 171 tỷ đồng. Giá trị giải ngân tới hết tháng 1/2023 mới đạt gần 8 tỷ đồng, đạt 1,74% kế hoạch.
Lâm Đồng thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Ảnh minh họa |
Tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn này, tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu 3 CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, năm 2023, tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể là tỷ lệ nghèo đa chiều (bao gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm từ 1 - 1,5% (tương ứng giảm từ 3.415 - 5.125 hộ). Cả tỉnh phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 2,5 - 3% (tương ứng giảm từ 2.014 - 2.416 hộ). Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu bằng 70% thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Giải quyết cơ bản vấn đề ổn định dân cư, dân di cư tự do, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất…
Nhằm sớm tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các CTMTQG trong năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất Ủy ban Dân tộc cần sớm tham mưu, ban hành các quy định hướng dẫn để địa phương thực hiện do một số định mức ngân sách trung ương chưa được quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ để hỗ trợ như các chương trình đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp cần được phân bổ theo kế hoạch trung hạn để tạo điều kiện cho địa phương chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện. Ngoài ra, việc quy định HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ, số lượng dự án áp dụng cơ chế đặc thù làm phát sinh thủ tục hành chính. Do đó, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị sửa đổi theo hướng giao UBND tỉnh quyết định để giảm bớt thủ tục, thuận lợi trong quá trình thực hiện./.