Năm 2023: Xuất siêu hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm lần đầu tiên trong 12 năm
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,54 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% (so với năm trước), trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.
Cả quý IV/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với quý III/2023. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.
Năm 2023, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 4,61 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 313,73 tỷ USD, chiếm 88,3%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 28,15 tỷ USD, chiếm 7,9%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 9,01 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Trong quý IV/2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6,3% so với quý III năm 2023. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%.
Trong năm 2023 có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 46,8%).
Tính chung cả năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 28 tỷ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 21,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 49,74 tỷ USD. "Mức xuất siêu này đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp 1,6 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế" - bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.
Tạo đà cho xuất khẩu phục hồi trong năm 2024
Bình luận về con số xuất siêu tăng mạnh lên 28 tỷ USD trong khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá giảm 6,6%, ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê), cho biết đây là lần đầu tiên trong giai đoạn 2012-2023, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của Việt Nam sụt giảm, thực trạng này đã thể hiện rõ khó khăn chung của kinh tế thế giới do nhu cầu sụt giảm.
Con số xuất siêu hàng hoá 28 tỷ USD thực chất cũng ra do tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu (-8,9% so với -4,4%). Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất trong nước phục vụ cho xuất khẩu cũng chịu tác động tiêu cực do thiếu hụt đơn hàng nên không nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Tuy nhiên trong bức tranh xuất nhập khẩu hàng hoá cuối năm, Việt Nam vẫn có một số điểm tích cực hơn so với đầu năm về cả xuất khẩu và nhập khẩu. Cụ thể, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, tuy vẫn giảm 4,4%, nhưng đã có một số điểm tích cực.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã có tín hiệu khả quan trong 3 tháng gần đây khi tháng 10 tăng 5,7%; tháng 11 tăng 6,9% và tháng 12 tăng 13,1% (so với cùng kỳ). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn với tháng 10 tăng 17,9%; tháng 11 tăng 15,4% và tháng 12 tăng 18,5%.
Thứ hai, xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt khá như rau quả đạt 5,6 tỷ USD, tăng 65,9%; hạt điều đạt 3,6 tỷ USD, tăng 17,6%; gạo đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,4% (riêng tháng 12 tăng 117,7%); cà phê đạt 4,2 tỷ USD, tăng 3,1% (tháng 12 tăng 26,4%).
Thứ ba, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực trong tháng 12 cũng tăng trưởng dương như: điện tử, máy tính và linh kiện tăng 19,2%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 78,3%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 51,5%; máy móc, thiết bị… khác tăng 4,7%. Riêng 4 mặt hàng chủ lực này đã chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Về nhập khẩu, tín hiệu tích cực cũng đến từ nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng của 3 tháng trong quý IV đạt tăng trưởng dương ở cả khu vực trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, sau 3 quý liên tiếp giảm sâu và đạt cao nhất vào tháng 12.
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 327,5 tỷ USD, tuy vẫn giảm 8,9% (so với cùng kỳ), nhưng tháng 12 đã tăng 12,3%. Trong đó khu vực trong nước tăng 7,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,1%.
Một số nhóm nguyên nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng có tín hiệu tăng trưởng khá tốt trong tháng 12 như: sợi dệt tăng 24%; vải tăng 16,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 33,6%. Đặc biệt là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,4 tỷ USD và tăng 45,6% so với tháng 12 năm 2022; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 3,8 tỷ USD trong tháng 12 và tăng 7,6%.
“Từ những tín hiệu tích cực của xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa như trên, có thể kỳ vọng nhu cầu thế giới đang có dấu hiệu hồi phục, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu có xu hướng nhập khẩu nhiều hơn, từ đó tạo đà cho xuất khẩu của Việt Nam đạt tăng trưởng khá trong đầu năm 2024” - ông Nguyễn Việt Phong nhận định.