Nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng so với đầu năm
Đưa ra chỉ đạo và giải pháp kịp thời
Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm tổ trưởng đã có cuộc họp với 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp là TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch vốn của 5 tỉnh, thành phố rất lớn với hơn 92 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân của 5 địa phương này trong quý I/2023 lại thấp hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh dự kiến hết quý I/2023 mới giải ngân được 0,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tương tự, Trà Vinh là 9,82%; An Giang 6,76%; Vĩnh Long 9,88% và Sóc Trăng 9,14%.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị 5 địa phương phải báo cáo cụ thể, nguyên nhân vì sao chậm, vướng mắc ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai…, để có biện pháp tháo gỡ hiệu quả trong thời gian tới.
Tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương đã có sự cải thiện theo hướng tích cực. Ảnh minh họa. |
Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại 4 địa phương: Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương. Vốn đầu tư công kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao cho 4 địa phương này là trên 31.465 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương trên 9.365 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương trên 22.099 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2023, 4 địa phương giải ngân được 2.791,1 tỷ đồng, đạt 8,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước đến hết tháng 4/2023 giải ngân được trên 4.200 tỷ đồng, đạt 13,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, Đắk Nông giải ngân đạt trên 12%, ước 4 tháng đạt 18,61%; Gia Lai đạt 4,36%, ước 4 tháng đạt 13,82%; Đồng Nai đạt 8,95%, ước 4 tháng đạt 12,57%; Bình Dương đạt 9,37%, ước 4 tháng đạt 14,64%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã lưu ý các địa phương cần rà soát những dự án đã được giao kế hoạch không có khả năng giải ngân (nhất là các dự án đến nay có số giải ngân bằng 0) để phân bổ đủ kế hoạch vốn cho các dự án đã được phê duyệt quyết toán, dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, dự án chuyển tiếp hoàn thành trong năm 2023 còn thiếu vốn; khẩn trương phân bổ chi tiết hết số vốn kế hoạch năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án để không ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn.
Tổ công tác số 2, số 3, số 4 cũng đều có các cuộc kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương thuộc tổ quản lý. Tại các cuộc họp, tổ trưởng các tổ công tác đã đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong quý II và các quý tiếp theo.
Tỷ lệ giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương đã có sư tiến bộ
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, qua theo dõi và tổng hợp báo cáo từ các bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Tài chính sau khi các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc đã cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt trong công tác giải ngân.
Đơn cử như tỉnh Trà Vinh, đến hết tháng 4/2023, tỷ lệ giải ngân của tỉnh dự kiến tăng gần 7% so với tháng 3 khi đạt tỷ lệ 15,92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; An Giang tăng lên 9,54%; Vĩnh Long tăng lên 11,64%; Sóc Trăng tăng lên 12,10%. Riêng TP. Hồ Chí Minh mặc dù có tăng nhưng vẫn ở mức thấp khi dự kiến giải ngân đạt 3,48%.
Về phía các bộ, cơ quan trung ương cũng có sự tăng nhẹ về tỷ lệ giải ngân. Thậm chí, có bộ, cơ quan trung ương hết quý I/2023, tỷ lệ giải ngân vẫn bằng 0, nhưng bước sang đầu quý II đã thực hiện giải ngân như: Bộ Y tế (trong quý I chưa thực hiện giải ngân, nhưng dự kiến hết tháng 4 vừa qua, Bộ này đã thực hiện giải ngân đạt 1,19% kế hoạch vốn được giao); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã thực hiện giải ngân với tỷ lệ giải ngân đạt 0,25% kế hoạch…
Đối với 4 địa phương do Tổ công tác số 5 thực hiện kiểm tra, đôn đốc, đến nay, tỉnh Đắk Nông đã có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức bình quân của cả nước và đã thoát ra khỏi nhóm địa phương giải ngân thấp khi đạt tỷ lệ 17,2% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 16,18% kế hoạch vốn. Tại Bình Dương, Đồng Nai cũng có sự biến chuyển nhưng vẫn đang ở mức thấp.
Ông Dương Bá Đức cho biết, hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang được các bộ, ngành, địa phương nỗ lực đẩy mạnh với quyết tâm hết năm ngân sách, cả nước đạt tỷ lệ giải ngân từ 95% - 100% kế hoạch vốn được giao.
Về phía Bộ Tài chính, để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn quan trọng này, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đôn đốc triển khai phân bổ, nhập dự toán để phục vụ giải ngân ngay sau khi kế hoạch vốn được cấp thẩm quyền giao.
“Các văn bản của Bộ Tài chính đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thúc đẩy tăng trưởng phát triển kinh tế và kiềm chế lạm phát. Đồng thời, đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và văn bản của Bộ Tài chính về tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương” - ông Dương Bá Đức cho biết./.