Nhiều điểm sáng trong bức tranh nợ công
Ảnh: T.L |
Các chỉ tiêu nợ nằm trong giới hạn và ngưỡng an toàn
Năm 2024, nền kinh tế trong nước đã có sự phục hồi rõ nét, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, quy mô tiềm lực kinh tế - tài chính tiếp tục phát triển. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09% GDP (vượt mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% GDP), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn chỉ tiêu cho phép.
Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Trương Hùng Long cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2023 và năm 2024 công tác quản lý nợ công tiếp tục được thực hiện chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu huy động cho đầu tư phát triển. Đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn.
Theo ông Andrea Coppola - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận xét, năm 2024, Việt Nam đã tận dụng thành công các công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiến bộ trong công tác quản lý nợ công thời gian qua. "Việt Nam cũng đã có những cải cách quan trọng về quản lý nợ công bao gồm: tăng cường khung pháp lý, quản lý thể chế, cơ cấu chủ nợ của danh mục nợ Chính phủ ngày càng đa dạng…" - ông Andrea Coppola cho biết.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2024, ước thực hiện nợ công/GDP là 36 - 37%. Nợ chính phủ/GDP là 33 - 34%. Dư nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP đến cuối năm 2024 dự kiến ở mức khoảng 32 - 33% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước ước khoảng 21 - 22%. Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ năm 2024 dự kiến ở mức khoảng 8 - 9%.
Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ của khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính đạt khoảng 62,5% tổng dư nợ. Còn lại là các ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác. Qua đó cho thấy, bức tranh nợ công của Việt Nam đang tăng thêm tính chủ động, khi cơ cấu nguồn trong nước chiếm chủ yếu, phản ánh sức mạnh nội lực của các nguồn trong nước thay vì dựa nhiều vào vay nước ngoài như giai đoạn trước.
Cơ cấu nợ công tích cực hơn
Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho thấy, nợ trong nước chiếm 76% dư nợ chính phủ, trong đó chủ yếu là trái phiếu chính phủ, nợ nước ngoài ước chiếm khoảng 24% dư nợ chính phủ. Tỷ trọng nợ bằng đồng nội tệ chiếm phần lớn danh mục nợ chính phủ, ước khoảng 71,3% đến cuối năm 2023. Điều này có nghĩa rằng, cơ cấu nợ chính phủ đến cuối năm 2024 tiếp tục được cải thiện theo hướng tích cực. Dư nợ trong nước tăng lên, nợ nước ngoài giảm dần, giảm thiểu rủi ro vay đảo nợ.
Với mức nợ thấp so với trần như hiện nay và cơ cấu nợ thuận lợi, Việt Nam có nhiều dư địa để triển khai vay vốn cho những dự án lớn là động lực của nền kinh tế, tạo ra hiệu quả nhanh và bền vững nhất, phối hợp với chủ trương huy động nguồn lực cho phát triển trên tinh thần nguồn lực trong nước là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, cần thiết, góp phần tăng tính bền vững nợ trước biến động tỷ giá của các ngoại tệ mạnh trong khu vực và trên thế giới.
Một điểm sáng nữa trong năm 2024 về quản lý nợ công là, Bộ Tài chính đã triển khai có hiệu quả công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, thể hiện qua việc hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được khẳng định. Thông qua việc Bộ Tài chính chủ động, tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đến tháng 8/2024, S&P, Fitch và Moody’s tiếp tục giữ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Theo đó xếp hạng do tổ chức S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, tổ chức Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng ổn định.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều đánh giá cao tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế thuận lợi trong trung, dài hạn. Việt Nam tiếp tục duy trì dòng vốn vốn FDI mạnh mẽ so với các nước khác trong khu vực, phân bổ đa dạng giữa các lĩnh vực. Đặc biệt là nợ chính phủ ổn định và thấp hơn nhiều so với các quốc gia có cùng xếp hạng (34% so với mức trung bình BB là 53%).
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng chung nhận định, chiến lược quản lý nợ chủ động giúp làm giảm thiểu rủi ro thanh khoản của Chính phủ. Vị thế nợ được cải thiện, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn huy động bên ngoài, tỷ trọng nợ bằng ngoại tệ giảm dần giúp giảm rủi ro tỷ giá...