Phải xử lý nếu gây chậm trễ việc giao, giải ngân vốn
Ảnh minh họa |
Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được Quốc hội quyết định, với tổng số thu là 1.343,3 nghìn tỷ đồng; tổng số chi là 1.687 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng (4% GDP). Trong đó bội chi ngân sách trung ương (NSTW) là 318,87 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 24,8 nghìn tỷ đồng; tổng mức vay của NSNN để bù đắp bội chi và chi trả nợ gốc là 608,57 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và phân bổ NSTW năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc hướng dẫn tổ chức thực hiện dự toán và thông báo nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2021 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đảm bảo thời gian theo quy định.
Căn cứ nhiệm vụ thu, chi NSNN được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2021 đến các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng NSNN; HĐND các địa phương đã họp quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021 của địa phương mình.
Theo quy định của Luật NSNN, chậm nhất đến ngày 31/12/2020 các bộ, cơ quan trung ương phải hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán NSNN năm 2021 cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc; gửi kết quả cho Bộ Tài chính để kiểm tra, đảm bảo việc phân bổ đúng chính sách, chế độ, dự toán được giao.
Đến hết tháng 2/2021, về vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các bộ, cơ quan trung ương mới thực hiện phân bổ, giao vốn cho các chủ đầu tư đạt 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, còn khoảng 26,2 nghìn tỷ đồng chưa phân bổ. Về kinh phí thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương đã thực hiện phân bổ, giao dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách đạt 96,5% dự toán được giao và được Bộ Tài chính thống nhất phân bổ khoảng 82% dự toán được giao. Đến hết quý I/2020, số lượng vốn chưa phân bổ vẫn chưa đạt 100%.
Phải xử lý nếu gây chậm trễ
Đối với dự toán kinh phí thường xuyên chưa phân bổ còn lại (bao gồm cả số chưa thống nhất phân bổ), chủ yếu là kinh phí dự phòng để phòng chống thiên tai, dịch bệnh, kinh phí đề tài nghiên cứu khoa học, dự án, nhiệm vụ chờ phê duyệt của cấp có thẩm quyền, hoặc đã phân bổ nhưng chưa đủ hồ sơ, thuyết minh căn cứ phân bổ. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương bổ sung hồ sơ, quyết định giao nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền... để hoàn thành việc phân bổ, giao dự toán cho đơn vị sử dụng ngân sách.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, quá trình phân bổ, giao dự toán ngân sách chi tiết đến các đơn vị sử dụng ngân sách còn chậm. Phần lớn các địa phương quyết định dự toán thu nội địa thấp song lại giao cao hơn nhiều so với dự toán được Chính phủ giao. Năm 2021 có 46/63 địa phương quyết định dự toán thu nội địa cao hơn dự toán Chính phủ giao.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thu NSNN năm 2021. Do vậy, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các địa phương chú trọng khai thác tốt hơn các khoản thu mới phát sinh, tập trung công tác chống thất thu NSNN.
Trên thực tế, muốn để thúc đẩy tăng trưởng GDP, tỷ lệ thuận với việc thu ngân sách đạt mức tốt thì việc chi ngân sách, phân bổ tiền cho các địa phương giải ngân vào các dự án hạ tầng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng phải được thực hiện tốt hơn, tránh tình trạng có tiền mà không tiêu được thường xảy ra ở một số năm trước.
Để thực hiện tốt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN, Chính phủ đã đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn NSNN, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư theo kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đồng thời, phải khắc phục triệt để sự chậm trễ, tháo gỡ khó khăn trong giao và giải ngân vốn đầu tư công; có biện pháp, chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân gây chậm trễ trong việc giao và giải ngân vốn./.