Tuân thủ nghiêm quy chế về công khai, minh bạch ngân sách
Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ trong công khai, minh bạch ngân sách. Ảnh: TL |
Tại Tọa đàm “Công khai ngân sách: Từ khung pháp lý đến thực tiễn triển khai” vừa được tổ chức, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, công khai minh bạch ngân sách nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người lao động cũng như toàn thể nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát ngân sách. Qua đó có thể kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý vốn, tài sản nhà nước, thực hành hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, thời gian qua, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp luật liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch ngân sách.
Cùng với đó, ý thức tổ chức bao gồm cả công tác đôn đốc của cơ quan tài chính và công tác tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương đã được nâng cao.
“Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính đã tuân thủ nghiêm quy chế về công khai, minh bạch ngân sách. Còn các địa phương, UBND các tỉnh đã quan tâm sâu sát trong công tác chỉ đạo công khai, minh bạch ngân sách ở địa phương mình” - ông Nguyễn Minh Tân cho biết.
Ông Nguyễn Minh Tân nhấn mạnh, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất chú trọng vấn đề này và kết quả đạt được thể hiện bằng những điểm tiến bộ của Việt Nam trong xếp hạng về chỉ số công khai, minh bạch ngân sách.
Kết quả khảo sát công khai ngân sách (OBS) 2023 cho thấy, điểm xếp hạng của Việt Nam ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia của công chúng và giám sát ngân sách đều tăng so với OBS 2021.
Trong đó, trụ cột minh bạch ngân sách đạt 51/100 điểm (trung bình toàn cầu là 45/100 điểm, tăng 7 điểm so với năm 2021); trụ cột Sự tham gia của công chúng đạt 19/100 điểm (trung bình toàn cầu là 15/100 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021); trụ cột Giám sát ngân sách đạt 82/100 điểm (trung bình toàn cầu là 62/100 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2021).
Ông Vũ Ngọc Tuấn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành III cho biết: “Theo đánh giá về công khai, điểm của KTNN về giám sát ngân sách là 89/100 điểm. Nếu so với giai đoạn đánh giá trước (giai đoạn 2017-2019), chỉ số này dưới 80 điểm.
"Điều này cho thấy sự cải thiện trong việc công khai ngân sách thông qua kiểm tra, giám sát của KTNN”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, theo quy định, có 6 hình thức công khai, minh bạch ngân sách.
Cụ thể gồm: công khai tại cuộc họp; công khai bằng văn bản, treo, niêm yết ở trụ sở cơ quan; phát hành văn bản đến đối tượng liên quan; thông qua các phương tiện thông tin điện tử; thông qua ấn phẩm chuyên đề; thông qua mạng xã hội.
Các đối tượng liên quan đến sử dụng NSNN đều phải tuân thủ, có thể thực hiện 1 trong 6 nội dung công khai.
Ngoài ra, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực NSNN được thực hiện hằng năm... cũng góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh việc công khai, minh bạch ngân sách.../.