Phấn đấu thu ngân sách vượt trên 10% dự toán
Quang cảnh hội nghị. |
Chiều 9/9, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác tài chính - ngân sách tháng 8, triển khai chương trình công tác tháng 9/2024. Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chủ trì hội nghị.
Thu ngân sách 8 tháng tăng 17,8% so cùng kỳ
Theo cáo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2024, tổng thu NSNN thực hiện tháng 8 ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng, bằng 6% dự toán. Lũy kế 8 tháng thu NSNN ước đạt 1.335,6 nghìn tỷ đồng, bằng 78,5% dự toán (trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 83,2% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 73,8% dự toán), tăng 17,8% so cùng kỳ năm 2023.
Liên quan tới thu ngân sách, báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, tổng thu NSNN tháng 8 do ngành Thuế quản lý ước đạt 94.200 tỷ đồng, bằng 6,3% dự toán cả năm và bằng 109,9% so với cùng năm 2023. Lũy kế 8 tháng, thu NSNN do ngành Thuế quản lý ước đạt 1.146.828 tỷ đồng, bằng 77,2% dự toán và tăng 17,9% so với cùng kỳ 2023. Trong đó có 17/20 sắc thuế, khoản thu ước đạt trên 70%. Đáng chú ý thu từ tiền sử dụng đất mới chỉ đạt 56,1%.
Trong tháng 8, Tổng cục Thuế đã tham mưu Bộ Tài chính thảo luận dự toán thu NSNN của các địa phương, đến nay tiếp tục phối hợp với Vụ NSNN điều chỉnh bổ sung theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo ông Mai Xuân Thành, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu dự toán thu năm nay cũng như thực hiện dự toán thu 2025, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng đề xuất một số giải pháp cụ thể để khai thác nguồn thu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, nhất là khối DNNN và DN FDI, là 2 nhóm thu đóng góp cho NSNN còn hạn chế.
Đáng chú ý, ông Mai Xuân Thành cho biết, đối với công tác quản lý nợ thuế, thời gian qua, do DN còn găp nhiều khó khăn, nên bên cạnh chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, ngành Thuế cũng đã nỗ lực tổ chức các giải pháp đôn đốc thu nợ. Tuy nhiên, qua quá trình đôn đốc, thu hồi nợ cũng cho thấy, các khoản nợ đặc biệt là khoản nợ thuế liên quan đất đai đang có một số vướng mắc về thủ tục ở địa phương. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thực tế, có một số DN dù gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng đã ứng nộp tiền đất rất lớn, thậm chí vượt cả khoản phải nộp ban đầu, nhưng theo quy định số tiền này lại không được hạch toán vào khoản thuế, nên DN vẫn bị tính là nợ, chậm nộp, vẫn bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế. Để tháo gỡ vấn đề này, Tổng cục Thuế sẽ có báo cáo cụ thể với Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Tập trung điều hành công tác ngân sách
Tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, trong tháng 8, kim ngạch XNK đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước. Luỹ kế 8 tháng đầu năm tổng kim ngạch XNK đạt 511,1 tỷ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ 2023. Đối với thu ngân sách từ XNK, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, số thu tháng 8 giảm 9% so tháng 7, đạt hơn 34 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế 8 tháng thu ngân sách của ngành Hải quan là 279.766 tỷ đồng, đạt 74% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết, theo tiến độ này ngành Hải quan vẫn đảm bảo số thu ngân sách năm 2024.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong cơn bão số 3 vừa qua, địa bàn quản lý của hải quan thiệt hại không lớn, tuy nhiên một số địa bàn như Hải Phòng, Quảng Ninh có bị ảnh hưởng, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo kịp thời tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo thông quan hàng hoá.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho biết thêm, tình hình buôn lậu ma tuý đang càng ngày càng phức tạp. Hiện ngành Hải quan đang phối hợp với ngành Công an để đánh giá toàn diện tình hình, diễn biến và nguyên nhân của nạn buôn lậu ma tuý, để từ đó phối hợp với các ngành liên quan có giải pháp tổng thể đối với công tác phòng chống ma tuý.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, thời gian qua, ngành Tài chính đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, công tác quản lý thu NSNN, quản lý vay nợ viện trợ cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ đánh giá cao.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung công tác điều hành ngân sách từ nay đến cuối năm, trong đó, yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường quản lý thu, phấn đấu thu vượt trên 10% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý các thị trường, đảm bảo ổn định, an toàn, minh bạch. Trong lĩnh vực dự trữ, đảm bảo quản lý hàng dự trữ quốc gia, xuất cấp kịp thời theo các quyết định; có các giải pháp đảm bảo an toàn hàng dự trữ trong mùa mưa lũ. Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị đảm bảo không ách tắc về an toàn thông tin, nhất là những Ngành có quan hệ mật thiết với doanh nghiêp, người dân, đặc biệt là Thuế, Hải quan, Kho bạc. Đồng thời, chú trọng công tác giải ngân đầu tư công, tăng cường tuyên truyền, đặc biệt về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thứ trưởng yêu cầu toàn ngành tập trung chuẩn bị tốt các nội dung liên quan đến các luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10 tới; chú ý hoàn thiện các nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai luật, đặc biệt là Luật Đất đai, Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, các nghị định liên quan đến môi trường kinh doanh…