Phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán xăng dầu - ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế
Phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng để ngăn chặn xăng dầu lậu
Nghị định số 95/2021/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào ngày 1/11/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 nhằm sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, sau thời gian ban hành và áp dụng vào thực tiễn, đã xuất hiện những bất cập cần tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung.
Sau thời gian lấy ý kiến để tiếp tục cập nhật, sửa đổi, ngày 18/7/2023 Bộ Công thương đã chính thức trình cấp có thẩm quyền dự thảo sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP quy định về kinh doanh xăng dầu.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chính thức thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ 1/7/2023. Ảnh: TL |
Theo tờ trình nghị định, cửa hàng xăng dầu phải có thiết bị ghi, in kết quả đo xăng dầu bảo đảm kết quả đo xăng dầu được kết nối, chuyển vào hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo pháp luật về hóa đơn, chứng từ.
Tuy nhiên, có doanh nghiệp băn khoăn phản ánh, việc bắt buộc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng không theo lộ trình khiến nhiều cây xăng có nguy cơ đóng cửa hay doanh nghiệp bị đội chi phí bán hàng…
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho rằng các ngành nghề kinh doanh khác đã triển khai áp dụng HĐĐT từ 1/7/2022, sao ngành kinh doanh xăng dầu không làm được. Trong khi đó đáng lý ngành hàng kinh doanh xăng dầu phải là ngành tiên phong áp dụng HĐĐT để thị trường tiêu dùng được minh bạch, rõ ràng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các ngành nghề khác.
“Câu chuyện quản lý mua bán xăng dầu bằng HĐĐT là câu chuyện vừa cấp bách, vừa lâu dài. Việc phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng sẽ làm cho thị trường kinh doanh xăng dầu được minh bạch hơn, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm méo mó thị trường. Vì vậy, việc bắt buộc phải xuất hoá đơn cho mỗi lần xăng dầu bán ra là rất cần thiết” - ông Nguyễn Văn Được khẳng định.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam thì cho rằng, việc áp dụng HĐĐT, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là cần thiết và phù hợp để ngăn chặn xăng dầu lậu, kém chất lượng, trốn thuế với những doanh nghiệp làm ăn không nghiêm túc, giúp cho thị trường lành mạnh hơn và doanh nghiệp cũng có công cụ quản lý hàng hóa hiệu quả hơn.
Xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hoá đơn không đúng quy định
Thông tin liên quan đến việc triển khai HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, Tổng cục Thuế cho biết, ngày 1/7/2023, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã chính thức thực hiện giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của tập đoàn trên toàn quốc.
Ngày 31/7/2023, Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đã có công văn số 1423/CT-QLT1 gửi Tổng công ty Dầu Việt Nam và Công văn số 1424/CT-QLT1 gửi Tổng công ty Xăng dầu Quân đội để yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện giải pháp phát hành HĐĐT ngay sau từng lần bán hàng và đề xuất giải pháp, kiến nghị để triển khai.
Cùng với đó, Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức cuộc họp giữa nhà cung cấp giải pháp (Tập đoàn Viettel) và các doanh nghiệp xăng dầu (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội) để trao đổi, đề xuất các phương án triển khai khả thi.
Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế đến ngày 31/10/2023, số lượng HĐĐT cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,6 tỷ hóa đơn. Trong đó có hơn 1,62 tỷ hóa đơn có mã và hơn 3,98 tỷ hóa đơn không mã. Đến nay, hệ thống HĐĐT được vận hành ổn định 24/7 phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. |
Hiện nay, Tổng cục Thuế đang rà soát để có văn bản chỉ đạo cục thuế địa phương tăng cường các biện pháp, giải pháp tuyên truyền, đồng thời yêu cầu và giám sát các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu do cục thuế địa phương quản lý để triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.
Để đảm bảo thực hiện việc chấp hành đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng hoá đơn, đồng thời ngăn chặn hành vi bán hàng không xuất hoá đơn, ngày 13/11/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5080/TCT-DNL yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương nắm bắt thực trạng triển khai HĐĐT theo từng lần bán hàng của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại địa phương.
Đồng thời, Tổng cục Thuế chỉ đạo cục thuế các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn triển khai ngay các giải pháp thực hiện được việc phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định. Trong đó, Tổng cục Thuế nhấn mạnh phải giám sát chặt chẽ việc phát hành hoá đơn, sử dụng hoá đơn nói chung và hoá đơn đối với xăng dầu nói riêng, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phát hành, sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định.
Bên cạnh đó, để đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp tổ chức trao đổi, làm việc với các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, doanh nghiệp cung cấp giải pháp để chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công việc phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng và thảo luận giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp; qua đó đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước về kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật về hoá đơn, chứng từ.
Nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu phát hành hóa đơn chưa đúng quy định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng HĐĐT: “1. Khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ”.
Đồng thời tại điểm i khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về hoá đơn, chứng từ quy định: “i) Thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu”.
Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, vẫn có tình trạng việc quản lý, phát hành, sử dụng hoá đơn đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, như cuối ngày mới xuất hoá đơn tổng đối với các trường hợp bán lẻ trong ngày; định kỳ hàng tuần, hàng tháng xuất 1 hóa đơn cho khách hàng với số lượng lớn. Thậm chí có trường hợp bán hàng hoá nhưng không xuất hoá đơn, không kê khai nộp thuế, trốn thuế, gian lận thuế, mua bán hoá đơn thu lợi bất chính, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. |