Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ cao nhất
Nhiều đột phá mạnh
Bắc Giang là một điển hình cho sự bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công khi đến thời điểm này, tỉnh đã giải ngân đạt gần 90% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt gần 70% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao. Kết quả trên cho thấy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác thực hiện dự án và giải ngân. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, hàng tháng đều có các cuộc họp tổng hợp tiến độ thực hiện của các dự án, cũng như các khó khăn vướng mắc trong công tác giải ngân và báo cáo kết quả về UBND tỉnh để có chỉ đạo, xử lý kịp thời các vướng mắc.
Đặc biệt, tại tỉnh Bắc Giang, các chủ đầu tư rất quyết liệt trong công tác triển khai dự án và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, nên tỷ lệ giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh đều đạt rất cao.
Năm 2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (Ban QLDA dân dụng) tỉnh Bắc Giang thực hiện 18 dự án, chủ yếu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, trong đó có một số dự án nối tiếp từ các năm trước với tổng vốn được duyệt 552 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Đô - Giám đốc Ban Quản lý cho biết, các dự án đều đang đảm bảo tiến độ đề ra, không có dự án nào bị chậm hoặc vướng mắc về giải ngân.
Các địa phương đang quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công với tỷ lệ cao nhất. Ảnh minh họa: H.T |
Theo ông Nguyễn Văn Đô, ngoài việc chủ động đăng ký, bố trí vốn bảo đảm yêu cầu các công trình dự án, Ban QLDA dân dụng đã thường xuyên đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực, vật tư, trang thiết bị, lập tiến độ thi công, xây dựng kế hoạch công việc cần phải thực hiện cho từng tuần, tháng; bố trí cán bộ có kinh nghiệm quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng tại hiện trường; duy trì thường xuyên việc kiểm điểm tiến độ thi công nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các nhà thầu.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực hiện các dự án, nhất là phải chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng - luôn là nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.
Theo đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng những dự án trên địa bàn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với công trình còn vướng mặt bằng, chủ đầu tư phải tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người dân bàn giao mặt bằng và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết khiếu nại.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp giải quyết công việc, rà soát, tiết giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; hạn chế việc chia nhỏ các gói thầu, hoặc quá nhiều nhà thầu tham gia. Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần lựa chọn nhà thầu thi công lớn, có năng lực, kinh nghiệm, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình, dự án sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Với các giải pháp đã thực hiện, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một điển hình trong sự bứt phá về giải ngân vốn đầu tư công khi đến thời điểm này, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 7.157 tỷ đồng, đạt gần 91% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 53% tổng kế hoạch vốn của tỉnh trong năm 2022.
Quyết tâm với trọng trách cao nhất
Có thể thấy đặc thù của công tác giải ngân năm nào cũng thế, đó là thong thả những tháng đầu năm, chạy nước rút vào tháng cuối năm và năm nay cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, tác động của dịch Covid-19, giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao… là những nguyên nhân khách quan đưa đến việc giải ngân chậm. Tuy nhiên, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo và giải pháp để gỡ vướng cho công tác này.
Tại Nghị quyết 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương; giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022.
Chỉ còn 1 tháng nữa là hết năm và chỉ còn 2 tháng nữa để giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công (tính đến 31/1/2023). Do đó, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư đạt trên 95% theo đúng mục tiêu của Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ tích cực chủ đầu tư để xử lý dứt điểm các trường hợp còn vướng mắc, tồn đọng và yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo cụ thể từng trường hợp cho ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm giải quyết triệt để các khó khăn giúp các nhà thầu triển khai dự án nhanh chóng.
Để đạt mục tiêu đề ra, TP. Hà Nội - địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư lớn trong năm 2022 đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt hơn 90% kế hoạch vốn năm 2022, UBND thành phố tiếp tục yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết bằng văn bản với UBND thành phố về tỷ lệ giải ngân và chịu trách nhiệm nếu không đạt tỷ lệ giải ngân theo cam kết. Đặc biệt, đối với những dự án trọng điểm, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thi công liên tục 3 ca/ngày, đồng thời điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án chậm tiến độ sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…/.