Số thu về thuế giá trị gia tăng vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm
Số thu về thuế giá trị gia tăng vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm. Ảnh: TL |
Số thu về thuế giá trị gia tăng luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu ngân sách nhà nước
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 và đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần tại Luật số 31/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Qua 15 năm thực hiện, Luật thuế GTGT đã đạt được các kết quả quan trọng. Trong đó, đáng lưu ý, từ năm 2013 đến năm 2022, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới nhưng số thu về thuế GTGT vẫn được bảo đảm, tăng trưởng đều qua các năm và ổn định về tỷ trọng thu thuế GTGT trong tổng số thu NSNN.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, số thu về thuế GTGT luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu NSNN cũng như chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu về thuế.
Cụ thể: Năm 2014 khoảng 26,9%, năm 2019 khoảng 23,3%, năm 2020 khoảng 22,7%, năm 2021 khoảng 23,6% (năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19), năm 2022 khoảng 24,5%.
Phải khẳng định rằng, Luật Thuế GTGT quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT đã tạo thuận lợi cho người nộp thuế, giảm chi phí khai nộp thuế và giảm chi phí hành thu của cơ quan thuế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước. Luật Thuế GTGT cũng đã góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần phải tiến hành sửa luật.
Dự thảo Luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành
Về cơ bản, dự thảo Luật vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành, nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật: Giữ nguyên nội dung quy định tại 5 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh; thuế GTGT; đối tượng chịu thuế; căn cứ tính thuế; phương pháp tính thuế. Dự thảo, bỏ 1 Điều của Luật Thuế GTGT hiện hành quy định về hóa đơn, chứng từ.
Một trong những quy định được dư luận quan tâm đó là về đối tượng áp dụng thuế suất 0%.
Theo đó, dự thảo luật bổ sung quy định cụ thể tên các dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% như sau: Dịch vụ xuất khẩu là dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; bổ sung quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục, hồ sơ và điều kiện áp dụng thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật, gồm: thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan, xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.
Đồng thời, bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp. Việc xác định địa điểm tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số là rất phức tạp, hiện nay đều chỉ căn cứ theo kê khai của người nộp thuế.