Sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp hướng tới chống xói mòn cơ sở thuế, tăng nguồn thu
Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghệ cao của thế giới. Ảnh: TL |
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã bổ sung các quy định liên quan đến chính sách thuế TNDN để thực hiện Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu.
Bộ Tài chính cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu. Quá trình số hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế trong thời gian qua đã có nhiều bước phát triển nhanh, mạnh và đã tác động mạnh mẽ tới kinh tế và đời sống toàn cầu.
Tuy nhiên, chính sách thuế TNDN ở nhiều quốc gia đang có những kẽ hở dễ bị các công ty đa quốc gia khai thác để giảm thiểu nghĩa vụ thuế, nhất là trong việc chuyển lợi nhuận từ những quốc gia vùng, lãnh thổ có mức thuế suất cao sang những nơi có mức thuế suất thấp hơn, gây xói mòn cơ sở thuế và thất thoát nguồn thu ngân sách.
Để ứng phó với tình trạng này, bên cạnh việc tích cực ký kết các hiệp định thuế song phương giữa các nước, gần đây, nhiều sáng kiến thuế quốc tế đa phương đã được xây dựng và tổ chức thực thi trên thực tế nhằm chống lại các hành vi trốn, tránh thuế của các công ty đa quốc gia.
"Thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng nguồn thu từ thuế, hạn chế các hiện tượng trốn, tránh thuế, chuyển giá…, của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng nguồn thu tăng thêm từ việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh" - TS. Cấn Văn Lực. |
Trong đó, đáng chú ý là Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) và Giải pháp hai trụ cột đã được 139 thành viên của diễn đàn này thông qua, vào tháng 10/2021. Hiện nay, nước ta đã trở thành thành viên của diễn đàn này (Diễn đàn IF).
Bộ Tài chính cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã phê duyệt và đồng ý tham gia Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu như một biện pháp để đảm bảo quyền thu thuế và ngăn chặn tình trạng xói mòn cơ sở thuế. Việt Nam đã đồng ý tham gia Trụ cột 2. Theo đó, chính sách thuế TNDN cũng cần được rà soát để sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo quyền đánh thuế của nước ta khi tham gia trụ cột này.
Bên cạnh đó, là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài là rất lớn, việc các nước tham gia và thực hiện Trụ cột 2 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế TNDN mà nước ta đang áp dụng.
Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải rà soát để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế; mặt khác vẫn đạt được các mục tiêu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.
Giữ quyền đánh thuế, bảo vệ quyền lợi quốc gia
Theo Bộ Tài chính, việc bổ sung quy định tại dự luật để có giải pháp phù hợp để giữ lại quyền đánh thuế cho Việt Nam trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới triển khai áp dụng Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời, các quy định này tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư mới, đảm bảo bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Bộ Tài chính cho biết, với khung khổ chính sách thuế TNDN của Việt Nam như hiện hành và trong bối cảnh nhiều quốc gia, bao gồm cả những quốc gia đầu tư ra bên ngoài và những quốc gia nhận đầu tư từ bên ngoài, đã và đang có những động thái trong việc đưa ra các sách liên quan đến Trụ cột 2 thì tác động của Trụ cột 2 đối với Việt Nam là khá rõ ràng.
Trong đó, nổi lên hai vấn đề là quyền đánh thuế của Việt Nam khi các quốc gia khác thực hiện Trụ cột 2 và hiệu quả của các chính sách thu hút đầu tư qua chính sách ưu đãi về thuế TNDN mà Việt Nam đang áp dụng. Đây là hai vấn đề có quan hệ với nhau và Việt Nam cần nghiên cứu một cách tổng thể để có các ứng phó, điều chỉnh chính sách phù hợp, không chỉ riêng về chính sách thuế TNDN mà còn cả các chính sách về hỗ trợ đầu tư ngoài thuế theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định để áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) nhằm đảm bảo phù hợp với các quy tắc theo hướng dẫn của OECD để thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở Việt Nam.
Cùng đó, cũng bổ sung nguyên tắc nộp bổ sung thuế đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo nguyên tắc của Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) để giành quyền đánh thuế với tư cách là quốc gia của công ty mẹ thực hiện đầu tư ra nước ngoài.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc tham gia triển khai thuế tối thiểu toàn cầu góp phần tăng cường hội nhập quốc tế của Việt Nam nói chung, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế nói riêng./.
GS.TSKH NGUYỄN MẠI - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP FDI: Tạo môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn hơn Trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020: mức thuế suất trung bình thuế TNDN thực nộp giảm 9,4 điểm phần trăm; ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế TNDN thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.
Nước ta đang được các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhà đầu tư đánh giá là có lợi thế to lớn đối với trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghệ cao của thế giới.
Dự kiến đầu năm 2024, cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu do OECD khởi xướng sẽ được thực thi. Việc Việt Nam áp dụng cơ chế Thuế tối thiểu toàn cầu đáp ứng đòi hỏi chính đáng của các tập đoàn kinh tế lớn đang sản xuất và kinh doanh, cũng như các nhà đầu tư tiềm năng thì sẽ làm cho lợi thế vốn có như: ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng cao, chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số của Việt Nam ngày càng được nâng cao, môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn hơn.
Ông THOMAS MCCLELLAND - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC DELOITTE VIỆT NAM: Sớm đưa ra những cải cách hợp lý và kịp thời Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã là rất rõ ràng, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực: thuế và thu hút đầu tư nước ngoài.
Về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế, vì khi đó các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh của các tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.
Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng. Do đó, Việt Nam cần có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng./.
|