Thanh tra ngành Tài chính đã thực hiện 52.520 cuộc thanh tra, kiểm tra trong 9 tháng
Chấn chỉnh công tác quản lý tài chính qua thanh tra, kiểm tra
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, trong 9 tháng qua, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện 4 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch, lưu hành 5 kết luận thanh tra hành chính tại 5 đơn vị (1 cuộc từ năm trước chuyển sang).
Trong 9 tháng qua, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện 587 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ảnh minh họa: H.T |
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên 100 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị nộp NSNN trên 81 tỷ đồng; xử lý khác về kinh tế trên 19 tỷ đồng. Các đơn vị đã thực hiện kiến nghị, nộp NSNN trên 63 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra nội bộ tại các đơn vị, góp phần ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức và người lao động trong toàn ngành.
Theo đó, trong 9 tháng qua, toàn ngành Tài chính đã thực hiện 1.657 cuộc kiểm tra nội bộ, qua kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính trên 28 tỷ đồng. Đồng thời, qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 412 cá nhân, trong đó đã xử lý kiểm điểm rút kinh nghiệm với 409 người.
Trong công tác thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 52.520 cuộc thanh tra, kiểm tra (TTKT); tiến hành kiểm tra 531.631 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 11.329 vụ; kiến nghị xử lý về tài chính trên 57.520 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN trên 17.869 tỷ đồng; kiến nghị tài chính khác trên 39.652 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính gần 3.876 tỷ đồng; các đơn vị được TTKT đã thực hiện kiến nghị trên 10.746 tỷ đồng.
Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã thực hiện 19 cuộc TTKT theo kế hoạch. Qua TTKT đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính số tiền trên 3.899 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp NSNN gần 3.335 tỷ đồng; kiến nghị tài chính khác trên 564 tỷ đồng. Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành 50 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 2 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực nộp NSNN số tiền trên 1.731 tỷ đồng.
Cán bộ thanh tra chuyên ngành kho bạc đang thực hiện đọc kết luận thanh tra tại đơn vị sử dụng ngân sách. Ảnh: CTV |
Nhận xét về công tác TTKT của ngành Tài chính, ông Trần Huy Trường - Chính Thanh tra Bộ Tài chính cho biế, thông qua TTKT, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trực thuộc đã kiến nghị xử lý tài chính, thu nộp NSNN và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm, qua đó, giúp chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách tại các đơn vị. Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Tăng cường theo dõi việc thực hiện kiến nghị, xử lý sau thanh tra
Để nâng cao hiệu quả công tác TTKT trong những tháng cuối cùng của năm, ông Trần Huy Trường cho biết, Bộ Tài chính sẽ tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, làm rõ nguyên nhân việc thực hiện chậm hoặc thực hiện thiếu triệt để và có kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực thuế và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.
Đặc biệt, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh TTKT, chú trọng TTKT theo rủi ro để kịp thời phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng.
Cùng với đó sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị qua TTKT; xử lý vi phạm, để thu hồi tiền, tài sản bị vi phạm, tham nhũng cho NSNN, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.