Theo dõi sát tình hình sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành và bình ổn giá phù hợp
Kiểm soát chặt việc kê khai để yêu cầu giảm giá phù hợp
Dư luận hiện nay quan tâm giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ vẫn “án binh bất động” khi giá xăng dầu đã giảm 4 lần với mức giảm khá nhiều.
Bà Đinh Thị Nương cho biết, trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng vẫn có xu hướng neo cao, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong những kỳ điều hành vừa qua.
Nhiều siêu thị triển khai chương trình bình ổn giá để hỗ trợ người dân. Ảnh: TL. |
Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu; tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời giảm giá.
Theo sát diễn biến thị trường
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá, bình ổn giá phù hợp. |
Đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.
Đáng chú ý, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022, Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo này cùng các văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các văn bản của Văn phòng Chính phủ trong 7 tháng vừa qua để tập trung chỉ đạo, điều hành.
Trong đó, Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng việc tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích dự báo thị trường và cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết và kịp thời cho những tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu 4% đề ra.
Đủ cơ sở để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu
Có ý kiến lo ngại về tình hình giá cả thị trường cuối năm, liệu có mặt hàng nào cần phải đưa vào nhóm hàng bình ổn giá hay không, bà Đinh Thị Nương đã trả lời về vấn đề này.
Theo bà Đinh Thị Nương, dự báo đến cuối năm các mặt hàng thiết yếu có những dự báo biến động phức tạp khó lường. Giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước… dự báo diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giao thông vận tải, giáo dục dạy nghề thực hiện lộ trình giá thị trường với mặt hàng nhà nước quản lý, theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai lũ lụt vẫn có thể xuất hiện và xảy ra, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Bộ Tài chính đề xuất nhiều phương án thuế để giảm giá xăng dầu. Ảnh: TL. |
Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, năm 2022, bà Đinh Thị Nương cho rằng, Chính phủ sẽ hoàn thành chỉ tiêu kiểm soát lạm phát mục tiêu đề ra là 4%.
Đối với việc bình ổn giá cả thị trường, theo đại diện Cục Quản lý giá, trong trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn, căn cứ các quy định pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá.
Chính phủ đã thành công trong kiểm soát lạm phát
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ đã thành công kiểm soát mặt bằng giá cả trong bối cảnh an ninh năng lượng (xăng dầu), an ninh lương thực (thực phẩm và thịt lợn) đều tăng và đây không chỉ là vấn đề lớn của Việt Nam mà cả quốc tế. |
Theo chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, Chính phủ đã thành công với việc kiểm soát mặt bằng giá cả trong bối cảnh an ninh năng lượng (xăng dầu), an ninh lương thực (thực phẩm và thịt lợn) đều tăng, đây không chỉ là vấn đề lớn của Việt Nam mà cả quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông, dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn nên chúng ta phải “hết sức nghệ thuật trong điều hành”. “Về cơ bản, chúng ta đã có cơ chế chính sách, điều hành quyết liệt và kịp thời. Đến thời điểm hiện nay, về cơ bản lạm phát tương đối thấp so với khu vực. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan vì vẫn có độ trễ về lạm phát của thế giới. Độ mở nền kinh tế nước ta lớn, nên vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu lạm phát. Giá cả một số mặt hàng có thể bắt đầu tăng từ đầu tháng 8. Một số khoản phí nhà nước quản lý cũng đang trong lộ trình tăng lên, không thể kìm giữ mãi được” - TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Vị chuyên gia này đã đưa ra một số kịch bản và cho rằng, chúng ta có đủ cơ sở kiểm soát lạm phát năm nay là ở mức khoảng 4%. Trong trường hợp xấu nhất, kể cả vượt 4% một chút, thì cũng chấp nhận để một mặt kiểm soát lạm phát tốt, đồng thời vẫn phải phục hồi và phát triển kinh tế xã hội./.