Thu ngân sách nội địa 10 tháng ngành Thuế thực hiện đạt 103,8% dự toán
17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đạt khá
Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác tài chính - ngân sách nhà nước Bộ Tài chính ngày 3/11, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, lũy kế 10 tháng năm 2022, toàn ngành Thuế quản lý ước đạt khoảng 1.219.960 tỷ đồng, đạt 103,8% dự toán, bằng 114,7% so với cùng kỳ thực hiện. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.154.428 tỷ đồng, bằng 100,7% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,1% so với cùng kỳ. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 881.004 tỷ đồng, bằng 96,3% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,2% so với cùng kỳ.
Trên cơ sở giá dầu thô bình quân ước đạt 105,8 USD/thùng, bằng 176,4% so với giá dự toán, bằng 158,1% so với cùng kỳ, đẩy số thu từ dầu thô 10 tháng ước đạt 65.536 tỷ đồng, bằng 232,4% so với dự toán, bằng 195% so với cùng kỳ.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương |
Đáng chú ý, có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế đều có số thu đạt khá (trên 87%). Có được kết quả khả quan trên, lãnh đạo ngành Thuế cho rằng, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và hộ, cá nhân kinh doanh đã phát huy cao độ tinh thần khắc phục khó khăn, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về chính sách miễn, giảm, giãn thuế của nhà nước để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và có những đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách 10 tháng vừa qua.
Cùng với việc thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, bằng việc triển khai quyết liệt các giải pháp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kết quả sau hơn 7 tháng triển khai đến nay đã có 37 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế thành công với tổng số tiền trên 3.170 tỷ đồng.
Phấn đấu 63/63 địa phương hoàn thành dự toán
Kết quả đạt được là khá tích cực, song số thu ngân sách nội địa những tháng gần đây đang có xu hướng giảm mạnh. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, số thu tháng 7 đạt 133.015 tỷ đồng thì sang tháng 8 chỉ còn 105.557 tỷ đồng và đến tháng 9 chỉ còn 79.400 tỷ đồng, giảm trên 40% so với tháng 7/2022. Số thu tháng 10 ước đạt 115.800 tỷ đồng, đạt 9,9% so với dự toán, bằng 74,1% so với cùng kỳ, nhích lên so với ba tháng trước tuy nhiên công tác thu ngân sách được dự báo càng về cuối năm càng khó khăn, tiến độ thực hiện thu của một số địa phương còn thấp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn báo cáo Bộ Tài chính về kết quả thu ngân sách. Ảnh: TH |
Để 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành dự toán thu được Quốc hội, Chính phủ giao, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Ngoài ra, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ về thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả, giúp doanh nghiệp và người dân nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu cho NSNN một cách bền vững; tiếp tục chủ động nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp phù hợp để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục rà soát, phân tích, đánh giá đúng thực tế tình hình sức khỏe doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phù hợp đối với từng ngành/lĩnh vực, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN, đáp ứng nguồn lực tài chính cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Một giải pháp quan trọng được ngành Thuế thực hiện là tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế theo phương thức điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN; triển khai thực hiện tốt các giải pháp về quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, xử lý, thu hồi nợ hiệu quả để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp, hiệu quả...
46/63 cục thuế tổ chức thành công chương trình “Hóa đơn may mắn”
Để từng bước hình thành thói quen mua hàng hóa dịch vụ phải lấy hóa đơn, sau khi thực hiện thí điểm chương trình “Hóa đơn may mắn”, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo triển khai chương trình “Hóa đơn may mắn” trong toàn ngành. Kết quả tính đến nay, đã có 46/63 cục thuế tổ chức thành công chương trình lựa chọn “Hóa đơn may mắn”. |