TP. Hồ Chí Minh: Đảm bảo hiệu quả phối hợp trong đấu giá quyền sử dụng đất
Quy trách nhiệm người đứng đầu
Theo Quyết định số 38/QĐ-UBND về quy chế phối hợp hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất (có thu tiền sử dụng đất) hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố, UBND TP. Hồ Chí Minh đã quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các sở, ngành, UBND TP. Thủ Đức, UBND cấp huyện, xã và các tổ chức, đơn vị liên quan trong việc phối hợp triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và quy định pháp luật có liên quan.
TP. Hồ Chí Minh quy định trách nhiệm cụ thể người đứng đầu trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất. |
Về nguyên tắc phối hợp, mọi hoạt động phối hợp phải tuân thủ nguyên tắc quản lý ngành, lĩnh vực đảm bảo sự nhất quán, đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao. Các cơ quan, tổ chức, UBND TP. Thủ Đức, UBND cấp huyện, xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, chủ động xử lý theo thẩm quyền, phối hợp công tác, trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm giải quyết công việc hiệu quả, đúng thời gian quy định. Tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo tính độc lập, trung thực, công khai, công bằng, khách quan, minh bạch.
Trong quá trình phối hợp, các cơ quan chủ động trao đổi, cung cấp thông tin bằng văn bản về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực phối hợp hoặc nhiệm vụ do UBND thành phố giao. Trường hợp xử lý hồ sơ không đúng thời hạn quy định làm ảnh hưởng đến tiến độ đấu giá thì lãnh đạo các Sở, ngành, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức, UBND cấp huyện và thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Hồ Chí Minh về chuyên môn, nghiệp vụ được phân công.
Đối với việc xác định giá khởi điểm, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu trong thời gian không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính phải rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, phương án giá báo cáo, trình Hội đồng thẩm định giá đất để Hội đồng thẩm định giá đất theo quy định.
Nếu có thay đổi chỉ tiêu quy hoạch, quy hoạch chi tiết thì cơ quan Thuế phải xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung sau khi trúng đấu giá và đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Sau khi hoàn tất các nghĩa vụ tài chính, trong thời gian 30 ngày, Văn phòng Đăng ký đất đai làm thủ tục để trình cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người trúng đấu giá.
Còn nhiều vướng mắc
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 của UBND TP. Hồ Chí Minh, từ khi Luật Đấu giá tài sản được ban hành năm 2016, công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cũng được tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở sắp xếp, xử lý tài sản công và thu hồi các khu đất vi phạm theo Luật Đất đai, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức đấu giá 432 khu đất, với 43,48ha, tổng số tiền là 7.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai lập thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất. Theo đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã lập thủ tục đấu giá đối với một số khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý (đất đã được giải phóng mặt bằng), trong đó có một số khu đất có chức năng quy hoạch là đất giáo dục, mục đích công cộng, mục đích kinh doanh. Tuy nhiên, theo Khoản 1, Điều 118 Luật Đất đai chỉ quy định các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất không bao gồm 2 loại đất trên.
Cũng theo UBND TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, các quy định liên quan chưa quy định thời hạn không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất để làm căn cứ hủy kết quả trúng đấu giá trong trường hợp không nộp đủ tiền trúng đấu giá. Ngoài ra, đối với trường hợp dự án đầu tư có một phần diện tích đất công phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 118, 119 Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, chưa có cơ chế xử lý khi chỉ có đơn vị khác trúng đấu giá nhưng không phải là chủ đầu tư dự án.
Đối với người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư cần phải thẩm định điều kiện năng lực của cá nhân tổ chức đấu giá. Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, việc xác định năng lực tài chính (tổng mức đầu tư) là chưa phù hợp đối với trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất do người tham gia đấu giá đã nộp tiền đặt trước khi tham gia đấu giá; việc xác định tổng mức đầu tư dự án được thực hiện sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất, do đó để xác định số vốn nhà đầu tư sở hữu để thẩm định năng lực là chưa phù hợp./.