Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Sửa đổi từ phân cấp sang phân quyền giúp tài sản được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn
Gặp vướng mắc khi thực hiện “phân cấp”
Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện theo cơ chế “phân cấp” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công (TSC) như hiện nay gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn.
Cụ thể, theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ chỉ được phân cấp cho chính quyền địa phương; bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ được phân cấp cho chính quyền địa phương, tổ chức, đơn vị trực thuộc; HĐND cấp tỉnh chỉ được phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước cấp dưới. Trong khi đó, TSC có phạm vi rộng, được giao cho nhiều loại hình cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng. Do đó, việc “phân cấp” theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ không đảm bảo được chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền của Đảng, Chính phủ.
Ảnh TL minh họa |
Theo đó, tại dự án 1 Luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội việc sửa đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công. Đồng thời, thay thế các cụm từ “quyết định hoặc phân cấp”, “phân cấp” thành “quy định” tại khoản 4 Điều 13; điểm a khoản 2 Điều 15; khoản 4, khoản 5 Điều 26; khoản 3 Điều 29; điểm b khoản 2 Điều 69; khoản 3 Điều 107. Thay thế cụm từ “phân cấp” thành “quy định về thẩm quyền” tại khoản 8 Điều 15; khoản 1 Điều 16; khoản 4 Điều 18; sửa đổi quy định tại khoản 6 Điều 26 theo hướng phân quyền cho bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý (đối với tài sản chưa được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức).
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi từ cơ chế phân cấp trong quản lý, sử dụng TSC sang cơ chế phân quyền góp phần làm tăng tính chủ động cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh trong việc quy định thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC, điều hành linh hoạt công tác quản lý, sử dụng TSC tại địa phương, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, năng lực quản lý và yêu cầu quản lý của từng bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Qua đó thúc đẩy việc quản lý, khai thác, xử lý TSC có hiệu quả, huy động tối đa nguồn lực từ TSC để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc đẩy mạnh phân quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC được xây dựng trên cơ sở các cơ chế về giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC và trách nhiệm giám sát, kiểm tra, kiểm toán, thanh tra trong lĩnh vực quản lý, sử dụng TSC đã được quy định đầy đủ, cụ thể tại Luật Quản lý, sử dụng TSC; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Thanh tra và Nghị định quy định chi tiết Luật Thanh tra.
Quy định sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh
Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính cho biết, qua tổng hợp thực tế triển khai quy định về sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã cho thấy có rất nhiều bất cập. Đơn cử như việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều vướng mắc do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí. Hơn nữa, trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định cụ thể cho trường hợp này dẫn đến lúng túng trong xử lý. Đồng thời, chưa có quy định về việc điều chỉnh giá cho thuê TSC, gia hạn hợp đồng cho thuê TSC…
Theo Báo cáo số 28/BC-BTP ngày 17/1/2024 của Bộ Tư pháp về kết quả rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có quy định vướng mắc, bất cập do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, một số địa phương đề nghị điều chỉnh quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC về thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC tại ĐVSNCL vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp để giảm bớt áp lực cho cơ quan cấp tỉnh cũng như phát huy hơn nữa hiệu quả quản lý, sử dụng TSC do trong thực tế, có nhiều tài sản có quy mô, giá trị nhỏ nhưng vẫn phải trình Chủ tịch UBDN tỉnh phê duyệt Đề án.
Đồng thời, trong quá trình đánh giá thi hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng TSC, nhiều bộ, ngành, địa phương đề nghị phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa trong việc phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Theo đó, Bộ Tài chính trình sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án đối với ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý (sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 56, khoản 2 Điều 57, khoản 2 Điều 58).
Việc sửa đổi quy định về thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án để tăng tính chủ động cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong công tác quản lý TSC thuộc phạm vi quản lý của mình, phù hợp với thực trạng tài sản và yêu cầu quản lý TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết của mỗi bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh tăng cường phân cấp, phân quyền.