Việt Nam tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài
Các doanh nghiệp châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một "điểm hút" các dự án FDI. |
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần và phần vốn góp đạt 38,23 tỷ USD. Con số này giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xét trong bối cảnh dòng vốn đầu tư trên toàn cầu thời gian qua chững lại thì đây vẫn là thành công của Việt Nam so với cả khu vực. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của đầu tư và kinh doanh quốc tế khi nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Điểm sáng trong bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài là vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2024 ước đạt 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Điều này khẳng định niềm tin vững chắc của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Theo khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) quý IV/2204 vừa công bố, chỉ số BCI đạt 61,8 điểm - mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, phản ánh tinh thần lạc quan của cộng đồng DN châu Âu về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng niềm tin kinh doanh có thể được lý giải nhờ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là những cải cách kinh tế đang diễn ra tại Việt Nam và vai trò trung tâm của đất nước trong xu hướng toàn cầu về phát triển bền vững. Đặc biệt, nhiều DN tham gia khảo sát đã nhận định “chuyển đổi kép” - quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - đóng vai trò quan trọng cho những đánh giá tích cực.
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết: “Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy các DN châu Âu ngày càng tự tin hơn vào triển vọng kinh tế của Việt Nam. Sự gia tăng rõ rệt về niềm tin này phản ánh sự công nhận rộng rãi về kết quả kinh tế của đất nước trong suốt những năm qua. GDP của đất nước vẫn tiếp tục trên đà tăng trưởng càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một mắt xích quan trọng trong thương mại và đầu tư khu vực Đông Nam Á”.
“Điểm hút” các dự án FDI trong khu vực
Chia sẻ với TBTCVN, bà Phương Nguyễn - Đại diện khu vực Đông Nam Á của CCX Partner cho biết, theo Tờ Economist và nghiên cứu dài hạn của EIU’s Business Environment Rankings (BER) về xếp hạng môi trường kinh doanh, Việt Nam được dự báo tăng hạng thêm 1.7 điểm trong thang điểm 10 trong giai đoạn 2003 - 2028, mức tăng hạng cao nhất trong 81 quốc gia được nghiên cứu. “Kết quả này không bất ngờ đối với các chuyên gia và tư vấn viên tại CCX Partners, vì chúng tôi nhận được các yêu cầu đầu tư và thâm nhập thị trường Việt Nam từ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế kể cả trong 2 năm suy thoái kinh tế vừa qua” - bà Phương Nguyễn nhấn mạnh.
Theo bà, tại Đông Nam Á, Việt Nam là nước có số FTA nhiều thứ 2 sau Singapore. Với dư địa tăng trưởng GDP vẫn được dự báo ở mức 6 - 8%/năm trên nền tăng trưởng suốt 4 thập kỷ vừa qua, Việt Nam là 1 thị trường quan trọng trong chiến lược tăng trưởng và đa dạng đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế. Hàng loạt thay đổi trong quản lý tổ chức nhà nước cũng hứa hẹn các thay đổi bản lề về thủ tục hành chính và chính sách của nhiều ngành khác nhau sẽ giúp môi trường kinh doanh tại Việt Nam càng trở nên hấp dẫn và cạnh tranh hơn nữa.
Tờ The Star Online của Malaysia ngày 10/1 đưa tin, Gamuda Land - công ty bất động sản của Gamuda Bhd có kế hoạch đầu tư 7,1 tỷ RM trong 5 năm tới tại Việt Nam, nâng mức đầu tư tại Việt Nam lên 14,3 tỷ RM. Theo Chủ tịch Gamuda Land Việt Nam Angus Liew, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là nền tảng trong chiến lược mở rộng khu vực của nhà phát triển đất đai này, do nhu cầu nhà ở mạnh mẽ.
Theo khảo sát của EuroCham, có tới 75% lãnh đạo DN tham gia khảo sát cho biết họ sẽ giới thiệu Việt Nam như một điểm đến đầu tư lý tưởng. Dữ liệu này nhấn mạnh sự công nhận ngày càng gia tăng về tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam như một trung tâm đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và cơ sở hạ tầng đang mở rộng, Việt Nam đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các DN châu Âu muốn mở rộng hoạt động tại khu vực này.
Thống kê từ khảo sát cho thấy, các DN châu Âu ngày càng đánh giá tích cực về Việt Nam như một “điểm hút” các dự án FDI. Theo đó, phần lớn các DN đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Khoảng 1/4 DN cho biết họ đang cân nhắc hợp tác với các nhà máy sản xuất hoặc nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam, trong khi hơn 1/5 số DN tham gia khảo sát mong muốn mở rộng sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Thêm vào đó, 30% các DN khác dự định tăng cường các hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu hoặc chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế thương mại mà quốc gia này mang lại. Động thái này phù hợp với xu hướng chuyển dịch thương mại toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các gián đoạn gần đây đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu./.