Yêu cầu giám sát việc xử lý 51 dự án không hiệu quả, lãng phí
Cụ thể, theo nghị quyết này, Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đôn đốc các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và tổ chức giám sát việc xử lý 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của đoàn giám sát.
Nhiều dự án ký túc xá sinh viên không hiệu quả, lãng phí
Các dự án, công trình này đều được ghi rõ trong các phụ lục ban hành kèm theo nghị quyết.
Trong số 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí, Hà Nội có nhiều nhất là 6 dự án gồm: Dự án nhà ở sinh viên cụm trường tại Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp; Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích; Bảo tàng Hà Nội; Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội (tuyến 2) đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội.
TP. Hồ Chí Minh có 4 dự án là: Đường song hành cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Dự án tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên; Dự án tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương; Dự án xây dựng Nhà hát giao hưởng, Nhạc và vũ kịch.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có 4 dự án là: Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An); Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (huyện M’Drak, tỉnh Đăk Lăk); Dự án công trình thủy lợi hồ chứa nước Ia Mơr (tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk); Dự án hồ Cánh Tạng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình).
Xét về lĩnh vực, có rất nhiều dự án liên quan đến giáo dục được đánh giá là không hiệu quả, lãng phí như: Dự án ký túc xá cụm trường tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp); Dự án làng Đại học Đà Nẵng (Bộ Giáo dục và Đào tạo); Ký túc xá sinh viên cụm trường tại huyện Chí Linh (Hải Dương); Nhà ở sinh viên cụm trường khu vực thành phố Hưng Yên; Ký túc xá sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên; Ký túc xá sinh viên trong khuôn viên Trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam; Ký túc xá tập trung thành phố Nam Định; Ký túc xá sinh viên tập trung tỉnh Ninh Bình; Dự án xây dựng trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình); Khu ký túc xá và Trường mầm non Thực hành của Trường Đại học Hồng Đức (cũ) (Thanh Hóa); Ký túc xá Trường Cao đẳng y tế Khánh Hoà; Khu ký túc xá Trường Đại học Tây Nguyên (Đắk Lắc); Ký túc xá cụm trường thành phố Đà Lạt.
Xử lý các sai phạm trong gần 1.000 dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, để đất hoang hóa...
Đối với Chính phủ, trong năm 2023, Quốc hội giao Chính phủ hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; báo cáo rõ kết quả rà soát, phát hiện các vi phạm, thất thoát, lãng phí của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu để xảy ra các vi phạm, thất thoát, lãng phí đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; diện tích đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11/10/2022 của đoàn giám sát;
Cùng với đó, Quốc hội yêu cầu phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí; 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết |
Trong năm 2023, Quốc hội cũng yêu cầu ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật có liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công còn thiếu hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn; sửa đổi, bổ sung định mức chi tiêu công, tài sản công, xe công, khoán chi, khoán kinh phí sử dụng tài sản công, lao động, biên chế…
Trước năm 2025 hoàn thành việc rà soát, tổng kết, đánh giá sự chồng chéo, chưa đồng bộ, kịp thời của hệ thống pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; sửa đổi theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng các nguồn lực nhà nước.
Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai, Chính phủ báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý tháo gỡ các điểm nghẽn cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành./.