Áp lực chi tiêu cho biến đổi khí hậu lớn
![]() |
Áp lực chi tiêu cho biến đổi khí hậu lớn. Ảnh: TL |
Tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD
Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, chi phí của biến đổi khí hậu đã bắt đầu tác động lên tăng trưởng. Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển của WB cho rằng, Việt Nam thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP, do các tác động của khí hậu, tổng chi phí kinh tế do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 523 tỷ USD, tương đương 14,5% GDP đến năm 2050.
Nếu Việt Nam không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050. Tuy nhiên, với sự kết hợp nhịp nhàng các chính sách và chiến lược, Việt Nam có thể tận dụng các nỗ lực khử carbon để thúc đẩy các mục tiêu phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng “0” mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.
Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (có hiệu lực từ năm 2016), Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỷ qua nhưng là nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt Net Zero vào năm 2050.
Đồng thời, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030, cam kết chống suy thoái rừng và chuyển đổi năng lượng sạch; bố trí tài chính xanh phù hợp và hiệu quả; chia sẻ công nghệ xanh; quản trị quốc gia để thực hiện cắt giảm metan.
Việt Nam có thể thu hút khoảng 753 tỷ USD vốn đầu tư cho khí hậu từ năm 2016 - 2030
Trong một nghiên cứu mới đây của TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và ThS. Nguyễn Thị Hải Bình - Quyền Trưởng ban, Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã nhận định, nhu cầu vốn lớn, song Việt Nam cũng có lợi thế về nội lực bên trong và bên ngoài.
Việt Nam đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu xanh tại ASEAN với 1,5 tỷ USD năm 2021, cao hơn 5 lần so với mức 0,3 tỷ USD năm 2020. Bên cạnh đó, Việt Nam có cơ hội để phát triển ngành dịch vụ tài chính. Cụ thể: Việt Nam có thể thu hút khoảng 753 tỷ USD vốn đầu tư cho khí hậu từ năm 2016 - 2030; khoảng 15,5 tỷ USD thông qua nguồn vốn đầu tư công và tư nhân của các quốc gia G7 để hỗ trợ Việt Nam giảm mức độ sử dụng than; 1,7 tỷ USD doanh thu mà các tổ chức tài chính có thể thu hút được từ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án ESG; 134 triệu USD do quỹ Anh Quốc hỗ trợ để thúc đẩy tài chính xanh ở Đông Nam Á…
Năm 2022, Việt Nam cùng nhóm các nước đối tác quốc tế (International Partners Group - IPG), đứng đầu là Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh, đã thiết lập thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP). Thỏa thuận JETP được ký kết vào ngày 14/12/2022 và sẽ có ít nhất 15,5 tỷ USD được tài trợ cho vay ưu đãi trong khoảng 3 - 5 năm cho hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, một nửa số đó được huy động từ tài chính khu vực công với các điều khoản ưu đãi hơn thông thường.
Một nửa còn lại được huy động và tạo điều kiện từ tài chính tư nhân để Việt Nam đạt đỉnh thải toàn bộ khí nhà kính vào năm 2030, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch.
Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) huy động ít nhất 7,75 tỷ USD tài chính tư nhân hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp thông qua các khoản đầu tư của các tập đoàn, các doanh nghiệp quốc tế. Số tiền cho giai đoạn sau có thể cao hơn nếu Việt Nam sử dụng tốt các khoản huy động ban đầu và đáp ứng các điều kiện của các đối tác quốc tế và các định tế tài chính quốc tế. Cả IPG và GFANZ sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xác định các cơ hội triển khai tài chính một cách nhanh chóng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra vào ngày 20/9/2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhấn mạnh, BĐKH tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân. Thủ tướng cho rằng giải quyết BĐKH phải có cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân, với những giải pháp đột phá, tổng thể, toàn diện, đổi mới, sáng tạo và kêu gọi cần khẩn trương hơn, hành động mạnh mẽ hơn và có trách nhiệm hơn nữa để hạn chế tối đa mức tăng nhiệt độ trái đất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng "0"; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…
Đề xuất xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo mô hình công-tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Thủ tướng cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục những hậu quả do BĐKH gây ra; đồng thời cần tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050. |
Tin cùng chuyên mục

Tiêu chí lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết sử dụng tài sản công

TP. Hồ Chí Minh: Làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không hoàn thành giải ngân đầu tư công

Nhiều bộ, ngành, địa phương gần “về đích” kiểm kê tài sản công

EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam

Sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công
Tin khác

Kiểm tra công tác tổng kiểm kê tài sản công tại 16 địa phương

Tăng mức phạt vi phạm hành chính để bảo vệ người tiêu dùng

Một số bộ, địa phương thực hiện tốt công tác tổng kiểm kê tài sản công

Chính phủ yêu cầu sắp xếp lại văn phòng đại diện, nhà khách của bộ, cơ quan trung ương tại TP. Hồ Chí Minh

Khẩn trương rà soát, tháo gỡ các dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài

Nhiều điểm sáng trong bức tranh nợ công

Người nộp thuế không mua, bán, sử dụng hóa đơn điện tử không hợp pháp dưới mọi hình thức

Năm 2025, bộ, ngành, địa phương đã phân bổ vốn đầu tư công đạt trên 96%

Ước giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao
