Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn
Áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Ảnh: TL |
Nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát năm 2023
Năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng 3,15% so với năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 2,59% so với năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung, cách xa mục tiêu Quốc hội đề ra. Đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam khi kiểm soát được tỷ lệ lạm phát tương đối thấp trong khi tốc độ tăng trưởng GDP cao kỷ lục trong vòng hơn 10 năm. Kết quả trên càng có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2022, nhiều quốc gia trên thế giới đang chật vật đối phó với lạm phát tăng kỷ lục trong hàng chục năm trở lại đây.
Việc kiểm soát lạm phát năm 2022 ở mức thấp góp phần quan trọng giảm sức ép vào năm 2023. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, các thách thức đối với kinh tế Việt Nam vẫn còn khá lớn, bởi tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần. Việc Trung Quốc chấm dứt chính sách Zero Covid, cùng các rủi ro liên quan đến xung đột quân sự Nga - Ukraine có thể tạo áp lực đối với giá năng lượng, lương thực, thực phẩm và nguyên vật liệu trên thế giới. Tất cả những nguy cơ nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng, giá cả và thị trường tại Việt Nam trong năm 2023.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), giá xăng dầu và các loại nguyên vật liệu trong năm 2023 sẽ khó tăng mạnh, ngay cả khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế hay các rủi ro liên quan đến xung đột Nga - Ukraine gia tăng. Thực tế, giá dầu trung bình năm 2022 đang ở vùng đỉnh. Do đó, áp lực lạm phát tại Việt Nam thời gian tới sẽ không quá lớn. Bên cạnh đó, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng là hệ quả của chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát và trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Đó là các yếu tố làm giảm áp lực lên lạm phát năm 2023.
Dự báo năm 2023, CPI toàn cầu hạ nhiệt với mức tăng khoảng 6,5%, từ mức bình quân 8,5% năm 2022. Dù lạm phát toàn cầu có thể không căng thẳng như năm 2022, nhưng có chuyên gia kinh tế quan ngại những yếu tố trong nước có thể gây nhiều sức ép đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, khiến CPI bình quân năm 2023 nhích tăng nhẹ từ mức 3,15% của năm 2022. Trong đó, áp lực tăng giá điện, giá một số dịch vụ do Nhà nước kiểm soát trong năm 2023 sẽ lớn hơn so với năm 2022; mối lo nghịch lý giảm lạm phát tiền tệ nhưng tăng áp lực chi phí đẩy cũng là điều cần quan tâm...
Lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần
TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn. Trong thời gian tới, lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022, cũng như nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi.
Năm 2023, Quốc hội quyết định CPI ở mức 4,5%. Theo nhận định của giới chuyên gia, sở dĩ mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 được đặt ở mức 4,5%, cao hơn năm trước, do mục tiêu này được đưa ra tháng 10, tháng 11/2022 để Quốc hội thông qua. Thời điểm đó, áp lực tỷ giá rất lớn. Theo tính toán, tỷ giá tăng 1% thì CPI tăng 0,3%. Tuy nhiên, hiện tỷ giá giảm khá mạnh thì áp lực lạm phát giảm đáng kể.
Không chủ quan cũng không quá lo lắng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, năm 2023 có những thuận lợi trên đà phục hồi kinh tế 2022 tạo nền tảng, nguồn lực cho điều hành chính sách năm tới, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát tốt sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho chính sách tiền tệ; thâm hụt ngân sách ở mức thấp và thu ngân sách đạt kế hoạch tạo dư địa mở rộng phù hợp chính sách tài khóa…
Tuy nhiên, trong điều hành cần thận trọng và tính toán đến việc một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022. Ngoài ra, giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng trong năm 2023 theo lộ trình sau khi đã giảm hoặc giữ ổn định mấy năm qua, như giá điện, nước, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế.