Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023
Quy định nêu trên được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư số 78/2022/TT-BTC về thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trong đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kịp thời bố trí vốn, ưu tiên các dự án xây dựng tu bổ các công trình đê điều, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chống biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả lũ lụt, dự án di dân ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh minh họa |
Đối với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cho Việt Nam, căn cứ dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giao chi tiết theo danh mục và mức vốn cụ thể cho từng chương trình, dự án trong tổng mức được giao theo các quyết định tiếp nhận và văn kiện viện trợ đã ký kết.
Trong tổ chức thực hiện phát sinh nhu cầu chi (đầu tư phát triển, thường xuyên) vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao hoặc phát sinh khoản viện trợ mới: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với các chi từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển) và Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với các khoản chi từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại nhiệm vụ chi thường xuyên) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, căn cứ vào các thỏa thuận viện trợ đã ký giữa Nhà nước, Chính phủ và các cơ quan nhà nước Việt Nam với các nhà tài trợ, quyết định phê duyệt tiếp nhận viện trợ của cấp có thẩm quyền báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán năm 2023 từ nguồn vốn viện trợ này.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thông báo cho các bộ, cơ quan Trung ương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình./.