Các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý gì trong việc quản lý, sử dụng tài sản công tại Luật Đất đai năm 2024?
Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm cần lưu ý trong quản lý tài sản công. Ảnh: TL |
Lưu ý 4 trường hợp đối với chế độ sử dụng đất đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ Tài chính lưu ý đến 4 trường hợp đối với chế độ sử dụng đất đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL). Cụ thể, ĐVSNCL sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp thì được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sử dụng ổn định lâu dài. Trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, mà có nhu cầu sử dụng một phần, hoặc toàn bộ diện tích đất được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó.
ĐVSNCL được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì có quyền và nghĩa vụ như đối với tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
ĐVSNCL được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm không thuộc trường hợp sử dụng đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 202 của Luật Đất đai thì có quyền và nghĩa vụ như đối với trường hợp tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, trừ quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất; đồng thời, được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 157 Luật Đất đai.
Việc khai thác, sử dụng quỹ đất đã được Nhà nước cho thuê đất kết hợp vào mục đích khác thực hiện theo quy định sau đây:
Đối với đất ĐVSNCL được Nhà nước cho thuê đất thì được phép chủ động khai thác, sử dụng kết hợp đa mục đích theo phương án được cơ quan chủ quản phê duyệt phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2024 và pháp luật có liên quan; trường hợp có đầu tư xây dựng công trình trên đất phải phù hợp với pháp luật về xây dựng. Việc khai thác, sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải được hạch toán theo quy định của pháp luật.
Đối với đất do ĐVSNCL đang sử dụng mà có nhu cầu cho thuê, liên doanh, liên kết với tổ chức kinh tế thì phải có đề án sử dụng tài sản công (TSC) vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.
ĐVSNCL được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, hoặc cho thuê đất trước ngày Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo hình thức đã được giao đất, cho thuê đất; trường hợp có nhu cầu thì được chuyển sang hình thức giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.
Về chế độ sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, Bộ Tài chính lưu ý 2 trường hợp.
Cụ thể, đất xây dựng trụ sở cơ quan gồm: đất trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở cơ quan.
Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Lưu ý đến trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
Tại công văn, Bộ Tài chính cũng lưu ý đến trường hợp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là TSC thuộc các trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, bao gồm cả trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý TSC theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.
Trường hợp bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là TSC theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC, người sử dụng đất (cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng hoặc tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là TSC) phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động.
Cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
UBND cấp tỉnh giao đất có nguồn gốc từ đất chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý, thu hồi do sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác, trừ trường hợp nhà, đất đó được xử lý theo hình thức điều chuyển hoặc bố trí sử dụng vào mục đích của Nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC.
Trường hợp được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng không được ghi nhận tài sản là TSC trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.