Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công: Doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hưng thịnh
PV: Năm 2021 đại dịch Covid-19 diễn biến bùng phát và kéo dài đã để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân…?
Ông Phạm Tấn Công: Nhìn lại một năm đầy gian nan, khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất kiên cường, vừa tham gia đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng cùng Nhà nước thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời, nhiều DN cũng đã chi hàng chục tỷ đồng cho việc tổ chức sản xuất 3 tại chỗ, không để đứt gãy hoạt động sản xuất, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Phạm Tấn Công |
Trong bối cảnh đó cũng cần đề cập đến hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân, đặc biệt lực lượng DN tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng do đặc thù là quy mô hoạt động nhỏ lẻ, chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ nên sự phát triển của kinh tế tư nhân bị chững lại do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19. Do đó, câu chuyện đặt ra của DN nói chung và DN khu vực kinh tế tư nhân nói riêng lúc này là làm sao duy trì, bảo tồn được hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua đại dịch Covid-19.
PV: Để hỗ trợ DN khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất trước tác động của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách. Xin ông cho biết tác động của việc hỗ trợ này tới cộng đồng DN, đặc biệt là các chính sách tài chính như giãn, giảm thuế…?
Ông Phạm Tấn Công: Trong năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Phải nói rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài diễn biến phức tạp, ngành Tài chính là một trong những ngành đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ DN.
VCCI nhận được nhiều văn bản dự thảo, thông tư, nghị định của Bộ Tài chính đề nghị góp ý về giảm thuế, miễn thuế. Thống kê chưa đầy đủ, có tới 30 - 40 dự thảo giảm các loại phí khác nhau.
Với Nghị quyết 128/2021/NQ-CP, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. |
Cũng phải nói thêm trong các nhóm chính sách hỗ trợ DN, có nhiều lĩnh vực khác nhau như tài khóa, tiền tệ, thì nhóm chính sách trong lĩnh vực tài chính như miễn giảm, giãn, hoãn thuế là tiếp cận DN nhanh nhất. Đến nay các chính sách về tài chính, thuế đã có tác động trực tiếp đến hoạt động của DN. VCCI có điều tra DN vào năm 2020 và tháng 9/2021 vừa rồi cho thấy, nhóm chính sách về miễn, hoãn thuế, lượng DN được tiếp cận nhiều hơn các nhóm chính sách khác.
Điểm sáng nữa là ngành Tài chính, mặc dù trong bối cảnh Covid-19 trong 2 năm vừa rồi nhưng VCCI vẫn thấy mức độ cải cách thủ tục hành chính rất cao.
Trong bối cảnh cải cách hành chính của nhiều ngành bị chậm lại thì ngành Tài chính thực hiện tốt, ứng dụng công nghệ thông tin vẫn được ngành quan tâm thực hiện mạnh mẽ. Tiêu biểu mới đây là Bộ Tài chính chính thức triển khai hệ thống hóa đơn điện tử. Ứng dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp cho DN giảm chi phí, ngăn chặn tình trạng hóa đơn giả, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho DN chân chính.
PV: Thưa ông vẫn còn khoảng cách giữa chính sách hỗ trợ của Nhà nước với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, điều này thấy rõ qua việc triển khai Nghị quyết 128/2021/NQ-CP, chính sách hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ an sinh… Theo ông, để gia tăng hiệu quả chính sách cho DN thì nên tập trung vào giải pháp nào?
Ông Phạm Tấn Công: Trước Nghị quyết 128/2021/NQ-CP, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, tuy nhiên có nhiều nội dung chưa thể sát với thực tiễn và nhu cầu của DN. Đơn cử như chính sách hỗ trợ, đào tạo người lao động có kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hầu như DN không thể tiếp cận được.
Có thể thấy, đâu đó vẫn còn khoảng cách tư duy giữa người ban hành chính sách với thực tế. Do đó, người ban hành chính sách và người làm thực tế phải ngồi lại với nhau, có trao đổi kỹ lưỡng trước khi ban hành chính sách với những đối tượng thụ hưởng.
Thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Ông Phạm Tấn Công cho biết, Đại hội VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã đưa ra tầm nhìn và sứ mệnh mới của VCCI. Theo đó, tầm nhìn là doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hưng thịnh. Sứ mệnh là phải liên kết và thực hiện để đến năm 2045 góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển theo mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. VCCI xác định 3 đột phá chiến lược là tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh; tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần, mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh. |
Theo tôi, trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, không có một chính sách bao trùm chung, hoàn mỹ cho các đối tượng. Do đó, sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ tôi cho rằng cần có chọn lọc. Đầu tiên, cần ưu tiên đến đối tượng yếu thế, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt là cần quan tâm đến chính sách, đảm bảo cho DN Việt Nam trụ vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu; khai thác được cơ hội từ các FTA tạo ra.
PV: Bên thềm năm mới 2022, với vai trò đại diện cho cộng đồng DN, ông có thể chia sẻ và đề xuất một số giải pháp giúp cho cộng đồng DN, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 và tạo đà phát triển bền vững?
Ông Phạm Tấn Công: Như trên tôi có đề cập, chính sách hỗ trợ DN phục hồi kinh tế cần phù hợp với từng đối tượng, trong từng giai đoạn. Ở đây cũng cần quan tâm đến sự phục hồi phát triển kinh tế tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân rất năng động, tạo việc làm cho lượng lớn người lao động, an sinh xã hội. Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế tư nhân còn thiếu bền vững bởi những người thành lập DN thường chưa được đào tạo bài bản. Mục tiêu của DN khu vực kinh tế tư nhân mới dừng ở việc sinh tồn, chưa có định hướng cho sự phát triển bền vững đúng mức. Hạn chế nữa là về ý thức chấp hành các quy định trong kinh doanh. Vì vậy việc tạo dựng niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân và mong muốn của xã hội còn khoảng cách rất xa.
Do đó, thời gian tới cần có chính sách phù hợp cho kinh tế tư nhân phát triển. Nghị quyết số 10-NQ/TW (NQ10) năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng đã đề cập đến nhiều giải pháp hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó quan tâm đến lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Tuy nhiên nhiều nội dung chưa được thể chế hóa, hoặc thể chế hóa chưa đồng bộ, đầy đủ, do đó khi áp dụng vào cuộc sống còn thiếu hụt, trong đó còn có những rào cản cho DN kinh tế tư nhân trong tiếp cận vốn, chính sách trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân, lấy tư tưởng thuận lợi làm cốt lõi trong quá trình thiết kế và ban hành chính sách.
PV: Xin cảm ơn ông!