Đẩy mạnh quyết toán dự án hoàn thành giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công
Đẩy mạnh quyết toán dự án hoàn thành giúp nâng cao hiệu quả đầu tư công. Ảnh minh họa |
Nhiều chủ đầu tư chậm quyết toán
Thực hiện chỉ đạo tại Công văn số 3605/UBND-TH ngày 20/9/2022 về chấn chỉnh trong công tác quyết toán dự án hoàn thành, tỉnh Sơn La đã yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, đẩy nhanh công tác quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành, đảm bảo theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, tỉnh Sơn La đã thẩm tra, phê duyệt quyết toán được 57 dự án, công trình (cấp tỉnh 26 dự án; cấp huyện 31 dự án). Giá trị quyết toán được phê duyệt là trên 619,4 tỷ đồng (cấp tỉnh trên 278,7 tỷ đồng; cấp huyện trên 170,3 tỷ đồng); giảm trừ so với chủ đầu tư đề nghị quyết toán 4,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quyết toán dự án hoàn thành tại tỉnh Sơn La vẫn còn những khó khăn, hạn chế, số dự án hoàn thành chưa nộp hồ sơ quyết toán vẫn còn tồn đọng nhiều. Theo báo cáo của các chủ đầu tư, đến thời điểm hiện nay, còn 44 dự án, công trình hoàn thành chưa lập, gửi hồ sơ quyết toán tại cơ quan tài chính các cấp, trong đó: cấp tỉnh là 10 dự án, cấp huyện 34 dự án. Việc nộp hồ sơ quyết toán chậm trễ là không thực hiện nghiêm quy định của Bộ Tài chính, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về quyết toán dự án hoàn thành.
Tại tỉnh Phú Thọ, công tác quyết toán dự án hoàn thành cũng được tỉnh hết sức chú trọng và cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo báo cáo của tỉnh này, cho đến cuối năm 2022, vẫn còn 22 chủ đầu tư, ban quản lý dự án và 19 nhà thầu vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán đối với 57 công trình, dự án.
Tại Hà Nội, tính đến hết 31/12/2022, trên địa bàn thành phố còn 173 dự án đã hoàn thành nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán so với quy định, trong đó có 74 dự án cấp thành phố, 89 dự án cấp huyện.
Một số đơn vị còn nhiều dự án chậm quyết toán là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội (14 dự án cấp thành phố); Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội (10 dự án cấp thành phố); UBND huyện Quốc Oai (7 dự án cấp thành phố), UBND huyện Gia Lâm (5 dự án cấp thành phố), UBND huyện Chương Mỹ (2 dự án cấp thành phố, 27 dự án cấp huyện), UBND huyện Phú Xuyên (3 dự án cấp thành phố, 14 dự án cấp huyện).
Đặc biệt, một số đơn vị còn tồn đọng dự án chậm quyết toán kéo dài từ các năm trước như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội 7/14 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP. Hà Nội 4/10 dự án, UBND huyện Quốc Oai 4/7 dự án.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu
Trước thực trạng nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để quyết toán đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư công; đồng thời đây cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm, nhiều địa phương đã và đang tiếp tục đưa ra các giải pháp để thúc đẩy công tác này.
Đơn cử như tại Phú Thọ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã tăng cường xử lý, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác quyết toán dự án, công trình theo quy định; tập trung giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn trong công tác quyết toán; không để tồn đọng dự án hoàn thành chậm lập hồ sơ quyết toán.
Đặc biệt, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, chủ đầu tư kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ có liên quan của các cơ quan, đơn vị còn để tồn đọng các dự án, công trình chậm lập hồ sơ quyết toán; đồng thời, không để nhà thầu có vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được tham gia đấu thầu dự án, gói thầu mới theo quy định.
Là địa phương còn nhiều dự án hoàn thành chưa được lập hồ sơ quyết toán, UBND TP. Hà Nội cũng đang yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện rà soát, tập trung giải quyết vướng mắc đối với các dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng một số hạng mục độc lập nhưng chưa hoàn thành thủ tục kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của toàn bộ dự án để lập báo cáo quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định.
TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán dứt điểm công nợ của các dự án sau khi được phê duyệt quyết toán; chỉ đạo chủ đầu tư kịp thời lập hồ sơ thanh toán, thu hồi các khoản công nợ theo quyết định phê duyệt quyết toán; đẩy nhanh số dự án đang thẩm tra, thực hiện tất toán tài khoản và đóng mã dự án theo quy định./.