Đề nghị các bộ, ngành, địa phương giao dự toán chi phải đảm bảo khớp đúng dự toán được giao
Ưu tiên kinh phí cho nhiệm vụ chi quan trọng
Những năm qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đã quán triệt, chỉ chi các khoản nằm trong dự toán và chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Trong trước mắt và lâu dài, những yêu cầu đó tiếp tục được quán triệt để chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự toán NSNN năm 2024. Để triển khai nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tài chính đang dự thảo thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2014.
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ, HĐND quyết định, UBND giao. Theo đó, phải bảo đảm về thời gian theo quy định, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đồng thời, đảm bảo bố trí đủ kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, những nhiệm vụ quan trọng theo quy định của pháp luật, những nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ, thực hiện phân bổ, giao dự toán chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới không thấp hơn mức dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời phù hợp với quy định của Luật NSNN, Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn.
Căn cứ dự toán ngân sách giao năm 2024, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí đủ kinh phí để đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ Trung ương ban hành đến thời điểm giao dự toán ngân sách năm 2024 để các đối tượng được hưởng chính sách ngay từ đầu năm 2024. Đồng thời, sử dụng kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn địa phương để chi cho các lực lượng thanh tra giao thông vận tải. Ưu tiên bố trí kinh phí để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chi sự nghiệp bảo vệ môi trường...
Đã tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng
Bộ Tài chính lưu ý các bộ, ngành, địa phương căn cứ dự toán chi thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới đảm bảo nguyên tắc triệt để tiết kiệm, tập trung phân bổ kinh phí cho các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm đảm bảo đúng mục tiêu, nội dung của từng nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền giao và các văn bản pháp luật có liên quan.
Cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí ngân sách địa phương và huy động hợp lý các nguồn lực khác theo quy định của pháp luật để thực hiện.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã điều hành chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách. Việc cơ cấu lại thu - chi NSNN đã góp phần quan trọng kéo giảm bội chi ngân sách và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo.
Trong báo cáo Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, nhờ thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.
Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong quản lý, sử dụng NSNN. Tiếp tục triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả, số kinh phí đã tiết kiệm được là 53.896 tỷ đồng. Nhiều bộ, ngành có số tiết kiệm kinh phí cao như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính…
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao công tác điều hành của Bộ Tài chính, nhất là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chi tiêu ngân sách. Có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý tài chính ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí, chống thất thoát nguồn thu. Dư địa giảm chi thường xuyên vẫn còn và cần tiếp tục thực hiện./.