Đề xuất 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất
Đổi tên dự thảo Nghị định
Lý giải cho việc đổi tên này, Bộ Tài chính cho biết, tại điểm c khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) quy định: Bổ sung cụm từ “không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng TSC” vào sau cụm từ “pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 98, khoản 2 Điều 99. Như vậy, sau khi loại trừ không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của doanh nghiệp thì dự thảo Nghị định chỉ sắp xếp lại, xử lý đối với TSC là nhà, đất tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và xử lý chuyển tiếp.
|
Vì vậy, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ đổi tên “Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý TSC” thành “Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý TSC là nhà, đất” để phản ánh đúng phạm vi điều chỉnh và nội dung của Nghị định.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhà, đất chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin kê khai, hồ sơ pháp lý về nhà, đất và hồ sơ khác phục vụ việc tổng hợp, lập, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Đồng thời, bổ sung quy định, cơ quan quản lý cấp trên chịu trách nhiệm xem xét sự phù của phương án, rà soát, đối chiếu hồ sơ pháp lý và các thông tin trong báo cáo kê khai bảo đảm đầy đủ, chính xác; quy định thành phần hồ sơ gửi lấy ý kiến UBND cấp tỉnh (nơi có nhà, đất), hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án, nội dung chủ yếu của văn bản phê duyệt phương án để đảm bảo tính thống nhất trong triển khai, thực hiện cũng như gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng khâu báo cáo kê khai và đề xuất phương án…
Trên cơ sở phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được phê duyệt, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định xử lý nhà, đất. Việc quyết định này được thực hiện bằng hình thức quyết định hành chính - một quyết định có thể xử lý cho từng cơ sở nhà, đất hoặc nhiều cơ sở nhà, đất.
Đồng thời, để giảm bớt thủ tục hành chính, tại dự thảo Nghị định quy định không phải ban hành quyết định xử lý nhà, đất đối với nhà, đất được xử lý theo hình thức giữ lại tiếp tục sử dụng hoặc tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.
Trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đồng thời là cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý nhà, đất, việc ban hành quyết định xử lý được thực hiện đồng thời với việc ban hành quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử ý nhà, đất.
Ngược lại, không phải là cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện việc này thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, cơ quan lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất có trách nhiệm gửi 1 bản chính văn bản phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (kèm theo bản sao các hồ sơ có liên quan) tới cơ quan, người có thẩm quyền quyết định để ban hành quyết định xử lý.
5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng TSC vừa được Quốc hội thông qua; căn cứ tính chất, đặc điểm quản lý nhà, đất và thực tế triển khai thực hiện thời gian qua…, dự thảo Nghị định quy định 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.
Đồng thời, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung so với quy định hành. Cụ thể, bỏ hình thức “bán” đối với TSC là đất, tài sản gắn liền với đất đảm bảo phù hợp với Luật số 56/2024/QH15. Lý do được ban soạn thảo đưa ra là việc bán TSC là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (đất, nhà, công trình gắn liền với đất) hiện hành đang được thực hiện đồng thời bán tài sản cùng với việc sử dụng đất và thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng TSC. Tuy nhiên, việc chuyển quyền sử dụng đất (gồm cả quyền sử dụng đất thuộc TSC) cũng cần được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, cách xác định và trình tự, thủ tục xác định giá đất.
Ngoài ra, thời gian vừa qua, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính nhận được phản ánh của các địa phương vướng mắc khi xử lý tài sản gắn liền với đất chuyển giao về địa phương và xử lý trong 2 trường hợp: thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai; giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác theo quy định tại Điều 113 Luật Đất đai năm 2024.
Vì vậy, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp quy định nhà, đất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị không còn nhu cầu sử dụng chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý.
Cụ thể, với trường hợp thực hiện giao đất, cho thuê đất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan. Đối với tài sản gắn liền với đất, căn cứ tình hình thực tế và thực trạng của tài sản gắn liền với đất, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường địa phương báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất xem xét, quyết định việc bán tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân được giao đất, cho thuê đất hoặc phá dỡ, huỷ bỏ tài sản gắn liền với đất trước khi tổ chức giao đất, cho thuê đất, đấu thầu dự án sử dụng đất.
Trường hợp nhà, đất giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý, khai thác thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai. Tổ chức phát triển quỹ đất báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý tài sản gắn liền với đất theo quy định như với việc giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai./.