Đôn đốc thu hồi vốn tạm ứng đầu tư công quá hạn giúp nâng cao hiệu quả nguồn vốn
Số dư tạm ứng quá hạn còn lớn
Ngoài các giải pháp góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), Bộ Tài chính còn rất coi trọng đến việc thu hồi tạm ứng vốn. Là cơ quan trực tiếp kiểm soát và thanh toán vốn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án (BQLDA) thực hiện quản lý, thu hồi tạm ứng hợp đồng vốn ĐTC, theo đúng quy định.
Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC, ngay từ những tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã có công văn về việc đôn đốc kiểm tra, đánh giá thực hiện, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư quá hạn nguồn ngân sách nhà nước (NSNN). KBNN có công văn yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc tăng cường quản lý vốn tạm ứng và thu hồi tạm ứng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Với sự đôn đốc kịp thời của Bộ Tài chính, KBNN, số dư tạm ứng tại nhiều địa phương đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ kiểm tra thuộc Bộ Tài chính (do Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính phối hợp với Vụ Kiểm soát chi - KBNN) tại một số địa phương mới đây cho biết, số dư tạm ứng vốn đầu tư còn khá lớn. Thậm chí, nhiều địa phương vẫn còn số dư tạm ứng quá hạn lớn.
Đơn cử như tại Vĩnh Phúc, tổng số dư tạm ứng của địa phương này đang trong thời gian thu hồi theo quy định (tạm ứng trong hạn) trên 3.907 tỷ đồng, chiếm trên 92% vốn tạm ứng chưa thu hồi. Đồng thời, tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh còn 113 dự án có số dư tạm ứng hợp đồng quá hạn với số tiền 305,8 tỷ đồng.
Tại Lạng Sơn, tính đến hết tháng 8/2023, tổng số dư tạm ứng chưa thu hồi còn trên 1.096 tỷ đồng (đã giảm so với cuối tháng 7 trên 62 tỷ đồng). Trong đó, dư ứng trong hạn trên 760 tỷ đồng; dư ứng quá hạn trên 336 tỷ đồng.
Mặc dù mỗi địa phương đều đưa ra nguyên nhân dẫn đến các khoản tạm ứng kéo dài qua nhiều năm chưa thu hồi được như: chủ đầu tư thay đổi, giải thể; nhà thầu phá sản; dự án đình hoãn thi công trong khi nhà thầu đã mua vật tư thiết bị nên khó hoàn trả lại vốn ứng…
Tuy nhiên, theo Tổ kiểm tra, để xảy ra tình trạng tạm ứng tiền ngân sách nhà nước cho các nhà thầu quá hạn trách nhiệm trước hết thuộc các chủ đầu tư, BQLDA. Đồng thời, điều này cũng cho thấy công tác quản lý vốn tạm ứng, kiểm tra, báo cáo tình hình sử dụng vốn tạm ứng của chủ đầu tư chưa chặt chẽ, theo đúng các quy định hiện hành.
Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công
Để nâng cao hiệu quả của nguồn vốn ĐTC, Bộ Tài chính đang tiếp tục đôn đốc, kiến nghị bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trung ương quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư triển khai các biện pháp thu hồi vốn tạm ứng, đặc biệt là các khoản vốn tạm ứng quá hạn do đơn vị mình quản lý.
Cụ thể, đối với các khoản tạm ứng quá hạn, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo các đơn vị yêu cầu chủ đầu tư phân loại các hợp đồng có dư tạm ứng quá hạn, báo cáo cụ thể thời gian quá hạn để ưu tiên xử lý, thu hồi tạm ứng.
Trên cơ sở xác định rõ từng nguyên nhân cụ thể của các khoản tạm ứng quá hạn để đề xuất phương án xử lý, căn cứ nội dung hợp đồng đã ký kết và trách nhiệm của từng bên; yêu cầu từng chủ đầu tư các hợp đồng có phát sinh tạm ứng quá hạn có giải pháp quyết liệt để thu hồi tạm ứng, bao gồm cả biện pháp khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật về dân sự nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà nước; yêu cầu các chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng.
Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành, chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn tất thủ tục thanh toán để làm việc với KBNN thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn
Đối với số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi của các địa phương, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo sở tài chính phối hợp với KBNN tỉnh; chỉ đạo UBND cấp dưới yêu cầu cơ quan tài chính phối hợp với KBNN rà soát số vốn tạm ứng quá hạn, báo cáo UBND cùng cấp để có biện pháp thu hồi hết số vốn tạm ứng quá hạn.
Ngoài ra, qua kết quả kiểm tra tại một số địa phương, tùy vào thực tiễn tại từng địa phương, Bộ Tài chính đã đưa ra các kiến nghị giúp đẩy nhanh tiến độ thu hồi tạm ứng vốn ĐTC. Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Phúc, đối với các dự án đã thực hiện nhưng giãn, hoãn tiến độ hoặc chủ đầu tư giải thể, nhà thầu phá sản…
Tổ kiểm tra đã yêu cầu tỉnh thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp với các chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng chưa thu hồi vốn tạm ứng kéo dài nhiều năm; giao cho cơ quan thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện đúng quy định về tạm ứng hợp đồng để có hướng xử lý.
Tại tỉnh Lạng Sơn, hiện còn một số gói thầu hợp đồng xây lắp đang còn hiệu lực thực hiện, không thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đã hết thời hạn chưa được nhà thầu gia hạn bảo lãnh.
Do đó, Tổ kiểm tra đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư, BQLDA phối hợp với nhà thầu xây lắp thực hiện bảo lãnh hợp đồng, theo đúng quy định của Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn ĐTC./.
Tin cùng chuyên mục

Nộp hồ sơ quyết toán thuế ở cơ quan nào khi đã nghỉ việc để được hoàn thuế?

Hàng hóa hư hỏng, sinh lý hóa tự nhiên có được tính chi phí được trừ để quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp?

Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp

Chi bổ sung chế độ cho người lao động có bị tính thuế thu nhập cá nhân?

Chi trả lương cho nhân viên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp có phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân?
Tin khác

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người lao động cùng công ty, khác chi nhánh

Quyết toán thuế ra sao khi đã khấu trừ 10% thuế thu nhập cá nhân?

Người nộp thuế khai giảm trừ gia cảnh ở đâu thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý đó

Quà tặng cuối năm có phải tính nộp thuế thu nhập cá nhân?

Giao dịch liên kết đối với đơn vị có chi nhánh hạch toán độc lập?

Cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp chế xuất áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng ra sao?

Hóa đơn đầu vào sử dụng mã số thuế của công ty hay mã số thuế của chi nhánh?

Bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất hoặc doanh nghiệp trong khu phi thuế quan áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng ra sao?

Doanh nghiệp có được trừ số tiền thuê đất đã nộp vào kỳ nộp thuế sau?
