Đôn đốc, xử lý dứt điểm các khoản nợ liên quan đến đất
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung. |
Thu tiền sử dụng đất giảm mạnh
Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, 8 tháng năm 2023, có 36/63 địa phương có tiến độ thu đạt dưới 68% so với dự toán; có 6/20 khoản thu đạt dưới 68% so với dự toán, trong đó có các khoản thu liên quan đến đất. Cụ thể, 8 tháng năm 2023, thu tiền sử dụng đất ước đạt 42,2%; thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước ước đạt 63,2%...
Ghi nhận tiến độ thu tiền sử dụng đất tại Bắc Ninh cho thấy, lũy kế 8 tháng năm 2023, Cục Thuế Bắc Ninh thu tiền sử dụng đất trên địa bàn đạt 174 tỷ đồng, đạt 5,8% dự toán, bằng 15,5% so với cùng kỳ. Lý giải về nguyên nhân khiến số thu từ tiền sử dụng đất đạt thấp, ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh cho biết, do từ cuối năm 2022 đến nay trên địa bàn chưa phát sinh dự án đấu giá mới, số thu chủ yếu từ thu nợ của các dự án còn tồn từ năm trước chuyển sang và từ các quyết định công nhận quyền sử dụng đất có phát sinh, dẫn đến số thu tiền sử dụng đất giảm sâu.
Thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuế, tiền thuế đất
Để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy nhanh tốc độ hồi phục kinh tế, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất thuộc diện được gia hạn khoảng 89.725,8 tỷ đồng; số tiền thuế, tiền thuê đất được miễn, giảm khoảng 39.243 tỷ đồng, việc thực hiện chính sách miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu ngân sách do cơ quan thuế thực hiện. |
Tại Thái Nguyên, báo cáo cho thấy, tính đến tháng 8/2023, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên mới được 734,7 tỷ đồng, đạt 15,3% dự toán tỉnh giao; thu tiền thuê đất đạt 296 tỷ đồng, bằng 42,3% dự toán tỉnh giao. Theo thông báo của Cục Thuế Thái Nguyên, số tiền sử dụng đất đã có thông báo còn nợ là 681 tỷ đồng và số tiền thuê đất đã có thông báo còn nợ là 94,8 tỷ đồng tại 14 dự án khu dân cư, khu đô thị.
Còn tại Thanh Hóa, 8 tháng năm 2023, nguồn thu từ sử dụng đất giảm 68,1% so với cùng kỳ, kéo theo số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của tỉnh Thanh Hóa giảm 50% so với cùng kỳ. Ninh Bình cũng không khá hơn, báo cáo của Cục Thuế Ninh Bình cho thấy, 8 tháng năm 2023, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn được 534,7 tỷ đồng, đạt 17,8% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 49,4% so với cùng kỳ thực hiện.
Tại Hà Nam, một lãnh đạo Cục Thuế Hà Nam cho biết, việc thu tiền sử dụng đất thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước, do thị trường bất động sản đang đóng băng, hạ giá. Một số dự án đầu tư chưa bảo đảm tiến độ, vướng mắc trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai đấu giá quyền sử dụng đất còn chậm, dẫn đến chậm tiến độ thu tiền sử dụng đất.
Tham mưu đấu giá dự án, tăng nguồn thu
Trong bối cảnh các nguồn thu từ đất giảm mạnh, cơ quan thuế các cấp đang phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng thu kịp thời nguồn từ đất vào NSNN.
Cụ thể, tại Thái Nguyên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện khẩn trương, quyết liệt một số nhiệm vụ để tiếp tục thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu hồi khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN đạt kết quả cao nhất.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên giao Cục Thuế Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ xử lý các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng tháng báo cáo đánh giá tình hình xử lý các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo theo đúng quy định.
Tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023 được giao, ngoài chủ động thu kịp thời các nguồn thuế phát sinh vào NSNN, trong 3 tháng cuối năm, cục thuế sẽ tích cực đề xuất với cấp ủy, UBND các cấp những giải pháp về cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho NSNN.
Cùng với đó, Cục Thuế Bắc Ninh cũng sẽ chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết các thủ tục hồ sơ để đưa các dự án đã hoàn thành thực hiện tổ chức đấu giá theo quy định, tăng nguồn thu tiền sử dụng đất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm.
Để đảm bảo kế hoạch thu ngân sách từ tiền sử dụng đất, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tạo đồng thuận trong nhân dân khi bàn giao mặt bằng cho các dự án. Các địa phương nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân, nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các điểm dân cư mới, trình cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung quy hoạch để đấu giá quyền sử dụng đất.
Rà soát, ngăn chặn gian lận trong khai thác khoáng sản
Cùng với việc thực hiện đôn đốc, xử lý dứt điểm các khoản nợ liên quan đến đất, Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường (TN&MT) để rà soát tài nguyên khai thác thực tế của người nộp thuế (NNT) trên địa bàn.
Cụ thể, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế chủ động yêu cầu, đôn đốc cơ quan TN&MT trên địa bàn cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên của NNT để tổng hợp xử lý về thuế theo quy định.
Theo đó, trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin kê khai của NNT về sản lượng tài nguyên thực tế khai thác kê khai trong năm theo từng mỏ khi kết thúc năm tài chính do cơ quan thuế chuyển đến, cơ quan TN&MT có trách nhiệm đối chiếu với sản lượng tài nguyên đã khai thác tại từng mỏ do đơn vị khai thác khai, nộp thuế với dữ liệu đã có tại cơ quan mình (cũng như thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định sản lượng khai thác thực tế của đơn vị trong trường hợp có chênh lệch) để chuyển thông tin cho cơ quan thuế xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Tiếp đó, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin chi tiết về khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác kê khai trong năm theo từng giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn do cơ quan thuế chuyển đến, sở TN&MT có trách nhiệm đối chiếu số lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác theo từng giấy phép do người nộp phí kê khai với dữ liệu đã có tại cơ quan mình để chuyển thông tin cho cơ quan thuế xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Để đảm bảo việc quản lý thuế đối với hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản được chính xác, kịp thời, Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế sau khi chuyển thông tin kê khai thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản trong năm của NNT, phải chủ động yêu cầu, đôn đốc cơ quan TN&MT trên địa bàn cung cấp thông tin về sản lượng tài nguyên, khối lượng đất đá bóc, đất đá thải và khối lượng khoáng sản nguyên khai thực tế khai thác của NNT, tổng hợp xử lý về thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các quy định pháp luật thuế có liên quan. |