Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Gian lận thuế ngày càng phức tạp. Ảnh: TL |
Luật Thuế VAT xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn
Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) được thông qua ngày 3/6/2008 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khoá XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật Thuế VAT năm 1997 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT năm 2003, năm 2005.
Trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2013, 2014 và năm 2016, Luật Thuế VAT xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn.
Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế VAT hiện hành phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế VAT.
Theo Tổng cục Thuế, các hành vi gian lận thuế giá trị gia tăng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Các doanh nghiệp thường lợi dụng kẽ hở trong các quy định để tăng thuế VAT đầu vào được khấu trừ. Nhiều doanh nghiệp thành lập, đăng ký kinh doanh nhiều sản phẩm, hoạt động trong nhiều ngành nghề nhưng lại không có kho hàng hay trụ sở. Mục đích là bán hóa đơn VAT cho các doanh nghiệp khác, tìm cách hợp thức hóa bán hàng buôn lậu trốn thuế và ăn chặn tiền hoàn thuế.
Cùng với đó, gian lận tăng thuế VAT đầu vào do doanh nghiệp có thể tự in ấn, sử dụng hóa đơn thuế VAT mua bán nội địa. Lợi dụng kẽ hở này, nhiều doanh nghiệp dùng hóa đơn bất hợp pháp, bao gồm hóa đơn chưa hết giá trị sử dụng hoặc chưa có giá trị sử dụng, hóa đơn giả hay hóa đơn của các đơn vị đã bị hủy bỏ địa chỉ kinh doanh để hợp thức hóa việc khấu trừ thuế VAT.
Doanh nghiệp thực hiện để gian lận thuế VAT là giảm thuế đầu ra. Một trong những hành vi sai phạm phổ biến là các doanh nghiệp sẽ bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, mục đích là giấu doanh thu đầu ra để tránh nộp thuế, thậm chí là chiếm đoạt thuế.
Doanh nghiệp cố tình xác định sai thuế suất đối với dịch vụ, hàng hóa. Theo đó, nhập nhèm thuế suất là một trong những chiêu trò cũng khá phổ biến của các doanh nghiệp trốn thuế. Nhiều doanh nghiệp cố tình kê sai thuế suất thuế đầu ra VAT của các mặt hàng chịu 10% thành mặt hàng chịu dưới 5%, có khi các mặt hàng chịu thuế lại được liệt kê vào mục mặt không chịu thuế. Một số doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa được ưu đãi thuế suất còn cố tình khai man để được hoàn thuế hoặc tăng khấu trừ.
Bổ sung dự án Luật Thuế VAT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024
Tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế VAT vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Tại lần sửa đổi lần này, Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng luật. Thứ nhất, mở rộng cơ sở thuế thông qua thu hẹp đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế VAT 5%. Theo đó, một số hàng hóa, dịch vụ dự kiến chuyển sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%. Thứ 2, sửa đổi, bổ sung các điều khoản nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật thuế VAT để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần bổ sung làm rõ hơn căn cứ điều chỉnh các đối tượng từ không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%; rà soát các nhóm sản phẩm chịu thuế để bảo đảm bao quát đối tượng chịu thuế.
Cùng với đó, nghiên cứu, rà soát luật hóa các quy định dưới luật liên quan đến giá đất được trừ để tính thuế VAT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo các hình thức chuyển nhượng đang được thực hiện ổn định, không phát sinh vướng mắc để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch, thuận tiện trong áp dụng pháp luật. Đồng thời, làm rõ hơn lý do bổ sung quy định thuế suất đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác. Làm rõ thêm về cơ sở thực tiễn, tác động của việc sửa đổi, bổ sung điều kiện khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Cho ý kiến về Dự án Luật (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, ông băn khoăn nhất về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế VAT nhất là đối với nông sản. Theo Chủ tịch Quốc hội, trước đây đã làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn VAT, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này. “Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý.