Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính dự án PPP
Theo đó, đối với quy định các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định giao cho các bộ, ngành ban hành hướng dẫn riêng về các chỉ tiêu tài chính cho các dự án thuộc lĩnh vực của bộ, ngành quản lý.
Về nguyên tắc sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP, qua tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến cho rằng quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP có thể gây ra cách hiểu khác nhau về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP, có thể hiểu tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP được tính theo tổng mức đầu tư của cả dự án thành phần đầu tư công và các dự án thành phần PPP có sử dụng vốn nhà nước khác trong dự án PPP.
Để khắc phục vướng mắc trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa quy định này. Theo đó, đối với dự án có nhiều dự án thành phần, trong đó có dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thì tỷ lệ vốn nhà nước quy định không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án thành phần đó.
Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định xác định giá trị tài sản công theo hướng sử dụng tài sản công để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Liên quan đến nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo hợp đồng BTL, hợp đồng BLT, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 (ban hành sau khi Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ban hành) của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã bổ sung phân loại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên.
Vì vậy, để phù hợp với quy định nêu trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về nguồn vốn để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL), hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT) đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên là cơ quan ký kết hợp đồng.
Về nguyên tắc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công, vốn chi thường xuyên, vốn từ nguồn thu hợp pháp của doanh nghiệp dự án dành cho đầu tư trong dự án PPP, chi thanh toán từ dự phòng ngân sách nhà nước, có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 28/2021/NĐ-CP có thể gây ra cách hiểu khác nhau về điều kiện được thanh toán, có thể hiểu hạng mục phải hoàn thành mới đủ điều kiện thanh toán và chưa thống nhất với Phụ lục II kèm theo Nghị định số 28/2021/NĐ-CP khi chỉ quy định Bảng tổng hợp giá trị công việc hoàn thành theo hợp đồng PPP đề nghị thanh toán...
Để khắc phục nội dung trên, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 8. Cụ thể, vốn đầu tư công hỗ trợ xây dựng hạng mục công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 70 Luật PPP chỉ được thanh toán cho khối lượng hoàn thành đã được cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP xác nhận và theo tỷ lệ các nguồn vốn, giá trị, tiến độ, điều kiện được quy định tại hợp đồng dự án PPP, phù hợp với kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với nội dung về trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm, theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, căn cứ báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cơ quan ký kết hợp đồng xác định giá trị doanh thu giảm chia sẻ với doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định nêu trên dẫn đến doanh nghiệp dự án PPP không có vai trò trong việc xác định giá trị doanh thu giảm.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp dự án PPP cùng xác định doanh thu giảm chia sẻ.
Về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành, Khoản 3 Điều 13 Nghị định 28/2021/NĐ-CP của Chính phủ có nêu “Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thành là việc xác định giá trị các khoản chi phí hợp pháp trong quá trình đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng theo quy định tại hợp đồng dự án PPP do cơ quan ký kết hợp đồng dự án PPP và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP ký kết phù hợp với quy định của pháp luật”; song chưa có quy định thế nào là “chi phí hợp pháp” để làm cơ sở trong thực hiện. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về chi phí hợp pháp khi quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành. Đồng thời, bổ sung mẫu biểu về chấp thuận giá trị quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành.
Một nội dung khác được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung là áp dụng quy định chuyển tiếp đối với quyết toán vốn đầu tư công trình dự án PPP hoàn thành. Theo đó, đề xuất bổ sung quy định về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành đối với các hợp đồng PPP đã ký trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực song ký kết các Phụ lục hợp đồng dự án sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực.
Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP chưa có quy định đối với trường hợp hợp đồng PPP ký sau thời điểm Luật PPP có hiệu lực nhưng trước thời điểm Nghị định số 28/2021/NĐ-CP có hiệu lực. Một số địa phương kiến nghị bổ sung quy định theo hướng, các Hợp đồng PPP ký kết trước thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định (ngày 01/01/2021 đến 26/03/2021) thì các Bên thỏa thuận, điều chỉnh Hợp đồng đảm bảo phù hợp với quy định của Nghị định này. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp đối các dự án PPP ký kết trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2021 đến ngày 26/3/2021.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 01 Nghị định sửa nhiều Nghị định để giải quyết các vấn đề có tính liên ngành liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức PPP là một trong những nội dung thuộc Nghị định sửa đổi lần này nhằm đáp ứng tình hình thực tế, khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 28/2021/NĐ-CP thời gian qua./.