Hướng dẫn chính sách thuế giá trị gia tăng khi sáp nhập doanh nghiệp
- Căn cứ Luật DN số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020 quy định:
+ Tại Điều 201 quy định về Sáp nhập công ty:
“1. Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
…
2. Thủ tục sáp nhập công ty được quy định như sau:
…
c) Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký DN, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập.
…”
- Căn cứ Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế.
+ Tại Khoản 3 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 18 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013:
“5. Cơ sở kinh doanh nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được hoàn thuế GTGT khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi DN, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết.
…”
- Căn cứ Điều 31 Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi DN, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động
“1. Trường hợp thuộc diện cơ quan thuế phải kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 110 Luật Quản lý thuế và Chương VIII Thông tư này thì người nộp thuế không phải gửi Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN.
Cơ quan thuế căn cứ kết quả kiểm tra tại Kết luận hoặc Quyết định xử lý và các tài liệu kiểm tra khác để xác định số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định tại Mục này.
…”
Căn cứ các quy định trên, Công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
Sau khi công ty nhận sáp nhập đăng ký DN, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị sáp nhập. Các công ty nhận sáp nhập đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp của các công ty bị sáp nhập theo hợp đồng sáp nhập theo quy định tại Điều 201 Luật DN số 59/2020/QH14.
Trường hợp Công ty nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết thì được hoàn thuế GTGT khi thực hiện sáp nhập DN theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC .
Cơ quan thuế căn cứ kết quả kiểm tra tại Kết luận hoặc Quyết định xử lý và các tài liệu kiểm tra khác để xác định số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết đủ điều kiện hoàn thuế và thực hiện giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế theo quy định theo quy định tại Điều 31 Thông tư số 80/2021/TT-BTC .
Đề nghị Công ty căn cứ các quy định của pháp luật được trích dẫn nêu trên và đối chiếu với tình hình thực tế của DN để thực hiện theo đúng quy định.
Trường hợp Công ty có vướng mắc về chính sách thuế, Công ty có thể tham khảo các văn bản hướng dẫn của Cục Thuế TP Hà Nội được đăng tải trên website http://hanoi.gdt.gov.vn hoặc liên hệ với Phòng Thanh tra - Kiểm tra thuế số 2 để được hỗ trợ giải quyết./.