Kinh phí xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất được dự toán trong ngân sách giao cho các cơ quan tài chính
Kinh phí xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất được dự toán trong ngân sách giao cho các cơ quan tài chính. Ảnh minh họa |
Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn do Ban Dân nguyện chuyển tới tại Công văn số 418/BDN ngày 2/11/2021 với nội dung: Đề nghị Cục Quản lý công sản- Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể về nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất khi thu hồi đất đối với từng trường hợp và trình tự thực hiện (tại Thông tư 80/2017/TT- BTC ngày 2/8/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất chưa hướng dẫn nội dung này).
Với kiến nghị này, Bộ Tài chính xin trả lời như sau: Theo quy định tại khoản 4, Điều 3, khoản 3 Điều 4 Thông tư số 80/2017/TT- BTC của Bộ Tài chính, cơ quan tài chính (của cấp có thẩm quyền thu hồi đất) phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng để xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất; trình UBND cùng cấp phê duyệt.
Trường hợp cần thiết, cơ quan tài chính thuê tổ chức thẩm định xác định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất. Trên cơ sở đó, cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định giá trị còn lại của tài sản gắn liền với đất do tổ chức thẩm định giá xác định, trình UBND cùng cấp phê duyệt. Việc giao đất, cho thuê đất sau khi thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Việc thành lập Hội đồng hoặc thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản, thẩm định giá trị còn lại của tài sản của cơ quan tài chính (cấp có thẩm quyền thu hồi đất) là thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao. Đồng thời, các quy định hiện hành của pháp luật cũng không có quy định được sử dụng nguồn vốn nào khác để thực hiện nhiệm vụ này. Vì vậy, nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nêu trên được tổng hợp trong dự toán ngân sách giao cho cơ quan tài chính để thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước./.