Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công
Lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. |
Tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công (TSC) được Bộ Tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, từ những khó khăn, bất cập và để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, tránh lãng phí nguồn lực NSNN, Bộ Tài chính được giao xây dựng dự thảo Nghị định quy định việc sắp xếp lại, xử lý TSC.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương qua nhiều giai đoạn chính sách đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản nắm được tổng thể nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương và địa phương đang quản lý. Đồng thời, đã tạo nguồn lực để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới theo hướng hiện đại hóa một số trụ sở của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tạo nguồn thu NSNN. Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là TSC còn chậm. Hiện vẫn còn 74.605 cơ sở/256.652 cơ sở chưa được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định về sắp xếp lại, xử lý TSC nhằm thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.
Khẳng định đây là một nghị định rất khó và quan trọng, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương trên tinh thần cầu thị, vì đây là các ý kiến tâm huyết, xuất phát từ thực tiễn, nắm rõ các vướng mắc phát sinh khi triển khai thực hiện xử lý lại, sắp xếp TSC.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý công sản cũng thông tin tóm tắt một số điểm cơ bản của dự thảo Nghị định. Trong đó, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo quy định là 3 loại tài sản công phải sắp xếp lại, xử lý gồm: đất, nhà, công trình khác gắn liền với đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; xe ô tô; máy móc, thiết bị và tài sản công khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của đại biểu xoay quanh các nội dung tại dự thảo Nghị định như: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc sắp xếp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục, báo cáo kê khai, tổng hợp, kiểm tra hiện trạng, lập phương án, phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất; các hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; quyết định xử lý và tổ chức thực hiện xử lý nhà, đất; thay đổi phương án sắp xếp nhà, đất; quản lý sử dụng số tiền; xử lý nhà, đất phải di dời; xử lý chuyển tiếp; các biểu mẫu kê khai…
Góp ý kiến cho Điều 2 dự thảo, bà Nguyễn Anh Yến, Phó Giám đốc Sở Tài chính Lạng Sơn cho rằng, về phạm vi điều chỉnh nên xem xét, bổ sung nhà, đất không thực hiện sắp xếp lại, xử lý theo Nghị định này là Nhà văn hóa thôn.
Về đối tượng áp dụng, đại diện Sở Tài chính Lạng Sơn nhất trí với ý kiến tại dự thảo Nghị định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất với các doanh nghiệp gồm: doanh nghiệp cấp I là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; doanh nghiệp cấp II do doanh nghiệp cấp I nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp cấp III do doanh nghiệp cấp II nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ông Trần Xuân Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP Hải Phòng cho biết, liên quan đến đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất, đề nghị bỏ đối tượng phải sắp xếp lại, xử lý nhà, đất là doanh nghiệp vì việc giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, sau khi đơn vị được giao quản lý, sử dụng đất theo quyết định cho thuê đất, giao đất của cấp có thẩm quyền thì việc quản lý, sử dụng nên được tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
Trường hợp vẫn thực hiện sắp xếp đối với đối tượng là doanh nghiệp, đại diện Sở Tài chính Hải Phòng đề nghị quy định rõ thêm nội dung không thực hiện sắp xếp với doanh nghiệp của Đảng, để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 165/2017/NĐ-CP: “Việc quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp của Đảng thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, quy định của Đảng và điều lệ doanh nghiệp”.
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Cục Quản lý công sản sẽ tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện Nghị định trình Chính phủ theo đúng tiến độ quy định. |