Một số nguyên tắc trong tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện
Dự thảo nghị định đã nêu rõ một số nguyên tắc trong tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Theo đó, Nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố hoặc người dân mắc bệnh hiểm nghèo nhằm sớm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt.
Ảnh TL |
Việc vận động đóng góp phải đảm bảo kịp thời và được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện; các tổ chức, cá nhân không được phép đặt ra mức tối thiểu để yêu cầu phải đóng góp. Các khoản đóng góp tự nguyện phải từ thu nhập, tài sản hợp pháp của các tổ chức, cá nhân thực hiện đóng góp.
Để quản lý chặt chẽ hơn nguồn tiền này, dự thảo nghị định quy định rõ, việc tiếp nhận, phân phối và sử dụng tiền, hiện vật đóng góp để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng, công khai; có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Tại dự thảo nghị định này cũng quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm. Cụ thể, như: Thứ nhất, cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện. Thứ hai, báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện. Thứ ba, cấm lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Dự thảo nghị định đang được trình Chính phủ. Khi nghị định được ban hành hy vọng sẽ quản chặt hoạt động vận động từ thiện của các tổ chức, đặc biệt là các cá nhân, tránh những vụ việc tranh cãi không đáng có thời gian qua./.