Một số tài sản kết cấu hạ tầng hàng không sẽ không phải thực hiện thủ tục giao quản lý
Quy định về giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không chưa rõ
Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị định số 44/2018/NĐ-CP (NĐ 44) của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT hàng không không quy định danh mục TSKCHT hàng không (định danh cụ thể) mà phân loại thành: TSKCHT hàng không đã tính thành phần vốn nhà nước tại DN và TSKCHT hàng không gắn với mặt đất, mặt nước chưa tính thành phần vốn nhà nước tại DN.
Sân bay Liên Khương. Ảnh TL minh họa. |
Lý do là từ trước ngày NĐ 44 có hiệu lực thi hành (13/3/2018), TSKCHT hàng không do DN quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại DN - các DN này là DN 100% vốn nhà nước. Khi thực hiện cổ phần hóa, phần lớn các TSKCHT hàng không đã được tính thành phần vốn nhà nước tại DN; chỉ có 1 phần tài sản còn lại là TSKCHT khu bay (đường lăn, đường hạ, cất cánh) chưa tính vào giá trị DN (tại thời điểm cổ phần hóa, nhóm tài sản này được cân nhắc do liên quan đến an ninh, quốc phòng). Vì vậy, đến nay, nhóm TSKCHT khu bay này thuộc phạm vi quản lý của nhà nước (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng quản lý).
Theo đó, tại NĐ 44 quy định giao TSKCHT hàng không (khu bay) cho đối tượng quản lý theo 3 hình thức: Giao cho cơ quan nhà nước (Cục Hàng không Việt Nam) quản lý theo hình thức tăng tài sản; giao cho DN (được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép hoạt động) quản lý theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại DN; lập đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho DN kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không (DN kinh doanh, khai thác cảng) quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại DN trong một thời kỳ nhất định.
Quy định về danh mục tài sản, giao tài sản cho đối tượng quản lý nêu trên còn chưa rõ và phát sinh bất cập như: Chưa quy định đối với mỗi loại TSKCHT hàng không thì giao cho đối tượng nào và theo hình thức nào?; trường hợp sau khi giao tài sản cho DN kinh doanh kết cấu hạ tầng hàng không quản lý theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại DN theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nếu phát sinh TSKCHT hàng không mới thì sẽ tiếp tục giao theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hay phải lập đề án mới để giao?.
Sẽ có một số trường hợp cụ thể không phải thực hiện thủ tục giao quản lý tài sản
Trước những bất cập này, tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác TSKCHT hàng không, Bộ Tài chính đã đề xuất một số quy định về việc giao quản lý TSKCHT hàng không.
Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, DN kinh doanh, khai thác cảng - ACV: Giao TSKCHT hàng không phục vụ hoạt động khai thác cảng theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại DN (TSKCHT thuộc khu bay); tính thành phần vốn nhà nước tại DN (TSKCHT còn lại).
Sau khi giao TSKCHT hàng không cho DN kinh doanh, khai thác cảng theo hình thức không tính thành phần vốn nhà nước tại DN, căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản, ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục DN kinh doanh, khai thác cảng báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện việc đầu tư, bổ sung vốn nhà nước tại DN (chuyển từ hình thức giao không tính thành phần vốn nhà nước tại DN sang hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại DN).
DN bảo đảm hoạt động bay - VATM sẽ được giao TSKCHT hàng không phục vụ an toàn bay theo hình thức tính thành phần vốn nhà nước tại DN.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số trường hợp cụ thể không phải thực hiện thủ tục giao quản lý tài sản theo quy định tại Nghị định này gồm: Tài sản đã giao cho cơ quan quản lý theo đúng quy định; tài sản được xác lập sở hữu toàn dân được xử lý theo hình thức giao cho cơ quan quản lý tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, xử lý đối với loại tài sản này; tài sản là kết quả của quá trình thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản do đối tượng khác quản lý được xử lý theo hình thức điều chuyển/chuyển giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản quy định tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định của pháp luât có liên quan.
Việc không phải thực hiện thủ tục giao quản lý tài sản theo Bộ Tài chính là do việc giao tài sản đã được thực hiện theo quy định của pháp luật; không phải thực hiện lại thủ tục giao tài sản nhằm tiết kiệm nhân lực, chi phí và thời gian./.