Năm 2024, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục là điểm nhấn tích cực cho nền kinh tế
Năm 2024, chính sách tài khoá sẽ tiếp tục là điểm nhấn tích cực cho nền kinh tế. Ảnh: TL |
Triển khai nhiều giải pháp giảm thuế, phí, lệ phí chưa từng có
Bộ Tài chính cho biết, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động của các vấn đề kinh tế, chính trị quốc tế đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 700 nghìn tỷ đồng, đặc biệt là các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (như gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)) và tiền thuê đất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) cùng nhiều khoản phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Trong đó, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 khoảng 145 nghìn tỷ đồng, năm 2022 khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023 với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 196 nghìn tỷ đồng.
Năm 2024, thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT với số tiền thuế được giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng; việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 sẽ giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng…
Như vậy, trong thời gian qua, nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thực tế giai đoạn dịch Covid -19, chính sách tài khóa đã thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Năm 2023, năm cuối cùng của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19, chính sách tài khóa đã đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ người dân và DN, đặc biệt là chính sách giảm 2% thuế GTGT đã có tác động trực tiếp thúc đẩy tiêu dùng, qua đó giúp DN sản xuất, dịch vụ, phục hồi nhanh hơn.
Thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt đã hỗ trợ tích cực cho phục hồi kinh tế
Chuyên gia Nguyễn Bá Hùng cho rằng, năm 2024, chính sách tài khóa cần tiếp tục là điểm nhấn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ngoài chính sách hỗ trợ thuế, phí thì đầu tư công giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, vừa tạo ra tiền đề cho tăng trưởng trong dài hạn tốt hơn. “Về vĩ mô, có thể thấy chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm 2024 đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Trong đó cần nhấn mạnh hơn vai trò của chính sách tài khóa bởi chính sách tiền tệ đã ổn định, không gian giảm lãi suất không còn nhiều. Hiện, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Những biện pháp này bao gồm một loạt nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công”, chuyên gia ADB nhấn mạnh.
Khẳng định điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng, TS. Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt đã hỗ trợ tích cực cho phục hồi kinh tế. Với chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, tại Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024 xem xét ban hành quy định gia hạn thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước. Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính kịp thời xem xét, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách giảm thuế, phí, lệ phí như đã thực hiện trong năm 2023 để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, giao Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện giảm thuế suất thuế GTGT để báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV xem xét, cho phép thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024.
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành theo dõi sát tình hình thực tế, dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội để nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các giải pháp áp dụng cho năm 2024 gắn với công tác xây dựng, giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước cũng như để các địa phương chủ động trong việc thực hiện dự toán cân đối ngân sách địa phương.