Ngân sách có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng nhờ thắt chặt kỷ cương trong chi tiêu công
Ngân sách có thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng nhờ thắt chặt kỷ cương trong chi tiêu công. Ảnh: TL |
Cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết luận của các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), tài sản công…, ảnh hưởng đến kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu quả sử dụng nguồn lực NSNN.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị với những chỉ đạo hết sức chi tiết, đong đếm cụ thể bằng các con số để các cấp, các ngành, địa phương theo đó mà thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý thu, chi NSNN thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực, tập trung nhiều nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Bước đầu đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải; đảm bảo các khoản chi an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng. Qua thống kê cho thấy, tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn trước đây, từ năm 2016 - 2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng.
Theo các chuyên gia kinh tế, muốn giảm chi tiêu công, phải thực hiện nghiêm các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và thu gọn đầu mối. Bởi thực chất, triệt để tiết kiệm chi tiêu chúng ta đã thực hiện khá tốt, không thể siết giảm thêm, nhất là những khoản chi cho con người, cho bộ máy. Chỉ có tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy mới cắt giảm được chi thường xuyên.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tinh giản biên chế giai đoạn 2026 - 2021 đã giúp ngân sách tiết kiệm được hơn 26,5 nghìn tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, thể hiện sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương.
Trong năm 2022 và 2023, Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu cắt giảm ngay từ khâu dự toán 10% chi thường xuyên ngoài các khoản chi tiền lương, phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương, các khoản chi cho con người và một số nhiệm vụ không thể cắt giảm. Với các nguyên tắc cắt giảm như trên, đến hết năm 2020 cắt giảm ngay từ khâu dự toán khoảng 930 tỷ đồng; năm 2021, 2022 giảm thêm khoảng 180 tỷ đồng/năm và năm 2023 tiếp tục cắt giảm khoảng 90 tỷ đồng so với năm 2022.
Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên
Trong chi tiêu công thời gian qua, bên cạnh đáp ứng đủ nguồn cho các khoản chi trong dự toán, các khoản chi cấp bách phát sinh, cho con người và an sinh xã hội, thì Bộ Tài chính đã yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương triệt để tiết kiệm, hạn chế tối đa các khoản chi mua ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiết giảm các nhiệm vụ không thực sự cấp bách, phù hợp với khả năng cân đối NSNN.
Trong chỉ thị mới ban hành, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên; đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới cơ chế phân bổ chi thường xuyên, bảo đảm chi cho con người, an sinh xã hội, y tế, môi trường, quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... theo quy định của pháp luật.
Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; bảo đảm giai đoạn 2021 - 2026, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi NSNN, phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng dưới 60%.
Các bộ, ngành, địa phương trong điều hành dự toán chi NSNN chủ động, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai…, dành nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thực hiện các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng và cải cách chính sách tiền lương.
Trả lời phỏng vấn liên quan đến triệt để tiết kiệm chi tiêu công, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ rất đồng tình và cho rằng, cần phải tiếp tục quản lý chặt chẽ chi tiêu nguồn từ NSNN, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN. Ở đâu đó, việc sử dụng tiền, tài sản và của công còn lãng phí, chưa được quản lý chặt chẽ thì vẫn tiếp tục phải tăng cường hơn nữa kiểm tra, kiểm soát trong thực thi các nhiệm vụ chi tiêu công. Trong bối cảnh thu ngân sách còn khó khăn, vẫn phải bội chi ngân sách, thì việc triệt để tiết kiệm được coi là một trong những giải pháp hiệu quả, để chúng ta có thêm nguồn để chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, các khoản chi cần kíp không có trong dự toán.