Nghị định số 79/2021/NĐ-CP: Tạo thuận lợi cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập trọng điểm tiếp cận nguồn vốn vay ODA
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội: tỷ lệ cho vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi. |
Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN - Bộ Tài chính), theo thẩm quyền được giao, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 6 nghị định hướng dẫn, đảm bảo đồng bộ và kịp thời triển khai Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018; trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP (Nghị định số 97) về cho vay lại vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Đánh giá 2 năm thực hiện, về cơ bản Nghị định số 97 đã bám sát chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nợ công, quản lý cho vay lại; tăng phân cấp gắn với trách nhiệm, tăng dần tỷ lệ cho vay lại chính quyền địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp hơn với mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời có các giải pháp tăng cường quản lý rủi ro cho vay lại. Cùng với cơ chế tăng cường cho vay lại, các địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập đã quan tâm hơn đến hiệu quả dự án, quy mô đầu tư, thẩm định dự án, từng bước xây dựng năng lực quản lý nợ chính quyền địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro tài khóa và ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng phòng Phòng Song phương 1, Cục QLN&TCĐN, qua quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 97 cho thấy, về cơ bản Nghị định số 97 vẫn phù hợp nên cần kế thừa để đảm bảo tính ổn định trong việc thực hiện quy định pháp luật. Tuy nhiên, cần tiếp tục cải tiến cơ chế cho vay lại như: tỷ lệ cho vay lại, tài sản đảm bảo cũng như một số thủ tục chuẩn bị cho vay lại.
Đơn cử về tỷ lệ cho vay lại, một số địa phương có khó khăn về ngân sách, phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương trên 70% nếu áp dụng tỷ lệ cho vay lại 30%, thì những địa phương đó khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài do hết dư địa cho vay lại, đồng thời khó có nguồn thu để trả nợ.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 97 chỉ quy định cho vay lại cho đơn vị tự chủ toàn bộ chi thường xuyên và tự chủ toàn bộ hoặc một phần chi đầu tư (tỷ lệ vay lại là 100% và 50% vốn vay nước ngoài). Thực tế đơn vị chỉ đảm bảo được một phần chi thường xuyên cần được hỗ trợ các dự án đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài, nếu áp dụng tỷ lệ cho vay nói trên thì có khó khăn trong việc trả nợ…
Chia sẻ trách nhiệm trả nợ theo tỷ lệ phù hợp
Triển khai kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ Tài chính đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP (Nghị định số 79) sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97 về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Theo đại diện Cục QLN&TCĐN, Nghị định số 79 được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho một số địa phương có khó khăn nhất về ngân sách có đủ dư địa tài khóa để vay lại nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; đồng thời tăng cường chia sẻ trách nhiệm trả nợ giữa ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu theo tỷ lệ phù hợp.
Nghị định số 79 cũng được xây dựng trên quan điểm tăng cường quản lý nợ công, quản lý rủi ro tài khóa của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương phát sinh từ hoạt động vay về cho vay lại; đồng thời có các quy định minh bạch, rõ ràng trong việc xác định cơ chế tài chính, tỷ lệ cho vay lại,… tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập trọng điểm tiếp cận nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ với tỷ lệ vay lại rõ ràng, phù hợp, đồng thời đảm bảo kỷ luật tài chính trong hoạt động đi vay và cho vay, thu hồi nợ.
Trên quan điểm và mục tiêu như trên, Nghị định số 79 đã tập trung sửa đổi, bổ sung về một số nội dung, như: tỷ lệ cho vay lại, tài sản đảm bảo đối với khoản vay, thời điểm thẩm định cho vay lại chính quyền địa phương, tài khoản tập trung doanh thu,… Cụ thể, đối với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại giảm từ 30% theo quy định cũ xuống 10% vốn vay ODA, vay ưu đãi. Đối với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi (thay vì 40% như quy định cũ).
Bổ sung thêm quy định
Theo đúng tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Nghị định số 79 đã bổ sung quy định: “Đối với một số chương trình, dự án liên quan đến phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ cần hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 1/4/2021 sẽ do Chính phủ quyết định tỷ lệ cho vay lại nhưng không thấp hơn 10%”. Ngoài ra, các trường hợp không yêu cầu bảo đảm tiền vay bao gồm: Cho UBND cấp tỉnh vay lại; Các khoản vay do ban quản lý dự án thuộc các bộ nhận nợ, sau đó chuyển cho UBND cấp tỉnh. |