Người tham gia chống dịch được hưởng nguyên lương, phụ cấp khi cách ly, trị bệnh
Theo tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của UBTVQH do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, Nghị quyết số 30/2021/QH15 đã cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc áp dụng các biện pháp như trong tình trạng khẩn cấp mà chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, qua 2 năm chống dịch, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập do quy định tại các luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt, đặc thù, chưa có tiền lệ của công tác phòng, chống dịch.
Do đó, Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề: khám bệnh, chữa bệnh; thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; dược; trang thiết bị y tế.
Ngân sách có thể chi trả toàn bộ chi phí chữa bệnh Covid và bệnh nền
Trong đó, về vấn đề kinh phí, Chính phủ kiến nghị vẫn tiếp tục thực hiện việc thanh toán chi phí theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cho phép bổ sung quy định trường hợp không bóc tách được chi phí thì ngân sách sẽ chi trả toàn bộ; đồng thời cho phép Chính phủ quyết định việc sử dụng kinh phí từ nguồn quỹ dự phòng của Quỹ bảo hiểm y tế để cùng với nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 trên nguyên tắc bảo đảm an toàn.
|
Cụ thể, nguồn kinh phí bảo đảm chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập gồm: NSNN, nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, ngân sách trung ương (NSTW) bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do trung ương thành lập. Trường hợp ngân sách địa phương (NSĐP) đã bảo đảm một phần kinh phí hoạt động cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do trung ương thành lập đóng trên địa bàn hỗ trợ địa phương thì NSTW không phải chi trả các khoản chi phí đó.
NSĐP bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do địa phương thành lập. Trường hợp NSĐP không bảo đảm được thì NSTW hỗ trợ. Thanh toán chi phí điều trị Covid-19 được thực hiện, theo quy định tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15.
Trường hợp các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không thống kê được các dịch vụ kỹ thuật đã thực hiện cho người bệnh hoặc thống kê được các dịch vụ kỹ thuật nhưng không xác định được dịch vụ kỹ thuật đó được sử dụng để điều trị Covid-19 hay điều trị bệnh khác: NSNN chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh của người bệnh Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) theo chi phí thực tế.
Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do HĐND cấp tỉnh nơi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia quyết định, bảo đảm không vượt quá mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn.
Quỹ bảo hiểm y tế được thanh toán chi phí điều trị Covid-19 đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế mà không phải ký bổ sung hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với cơ sở được cấp có thẩm quyền thành lập mới, giao bổ sung nhiệm vụ, đặt hàng thực hiện nhiệm vụ thu dung, điều trị Covid-19.
NSNN thanh toán chi phí điều trị Covid-19 và các chi phí bảo đảm hoạt động thường xuyên phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập; chi phí bảo đảm hoạt động tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 cho các đối tượng miễn phí theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm của cơ sở y tế công lập mà cơ sở (đơn vị) đã ứng chi từ nguồn tài chính của đơn vị (không bao gồm nguồn tài trợ, viện trợ).
Đưa trang thiết bị y tế vào danh mục bình ổn giá
Đối với giá trang thiết bị y tế, vừa qua giá trang thiết bị y tế có nhiều biến động bất hợp lý, đặc biệt là giá trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhưng do Luật Giá không quy định trang thiết bị y tế thuộc loại hàng hóa phải quản lý giá cũng như không thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá nên Chính phủ không có cơ sở pháp lý để thực hiện các biện pháp bình ổn giá. Do đó, Chính phủ kiến nghị “bổ sung trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phải áp dụng biện pháp bình ổn giá.
Về chế độ, chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ kiến nghị trường hợp người tham gia phòng, chống dịch phải điều trị do bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thì được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian điều trị hoặc cách ly y tế theo mức hiện hưởng, trong đó Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và NSNN chi trả phần còn lại. Đồng thời, được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, tại tờ trình, Chính phủ cũng kiến nghị cho phép Bộ Y tế, các bộ, ngành và các địa phương được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề hoặc việc có hay không có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, tờ trình đề nghị cho phép thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người nhiễm Covid-19 hoặc người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh, quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ xa theo phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người bệnh./.