Quy định về hóa đơn đối với hoạt động xuất khẩu
- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ:
+ Tại Điều 13. Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:
“... 3. Quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý đối với một số trường hợp cụ thể theo yêu cầu quản lý như sau:
...
c) Cơ sở kinh doanh kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử.
Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa xuất khẩu...”
- Căn cứ Thông tư số 72/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của DN:
+ Tại Điều 10. Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ:
“Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của DN mua từ kho ngoại quan được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau. Thủ tục hải quan thực hiện như khoản 6 Điều 86 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015.”
- Căn cứ Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:
+ Tại Điều 86. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ:
“...
6. Trường hợp người khai hải quan là DN ưu tiên và các đối tác mua bán hàng hóa với DN ưu tiên; DN tuân thủ pháp luật hải quan và đối tác mua bán hàng hóa cũng là DN tuân thủ pháp luật hải quan có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ được giao nhận nhiều lần trong một thời hạn nhất định theo một hợp đồng/đơn hàng với cùng người mua hoặc người bán thì được giao nhận hàng hóa trước, khai hải quan sau. Việc khai hải quan được thực hiện trong thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thực hiện việc giao nhận hàng hóa. Người khai hải quan được đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ tại 01 Chi cục Hải quan thuận tiện; chính sách thuế, chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan chỉ kiểm tra các chứng từ liên quan đến việc giao nhận hàng hóa (không kiểm tra thực tế hàng hóa). Đối với mỗi lần giao nhận, người xuất khẩu và người nhập khẩu phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,...), chịu trách nhiệm lưu giữ tại DN và xuất trình khi cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra.”
Căn cứ các quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội trả lời như sau: Trường hợp Công ty thuộc đối tượng quy định tại Khoản 6 Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính, kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (kể cả cơ sở gia công hàng hóa xuất khẩu) khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn GTGT điện tử. Khi xuất hàng hóa để vận chuyển đến cửa khẩu hay đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, cơ sở sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo quy định làm chứng từ lưu thông hàng hóa trên thị trường. Sau khi làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu, cơ sở lập hóa đơn giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đề nghị Công ty căn cứ tình hình thực tế, nghiên cứu các quy định trích dẫn nêu trên, đối chiếu với các văn bản pháp luật về thuế để thực hiện đúng theo quy định./.