Thị trường bất động sản năm 2023 dự báo tiếp tục gặp khó khăn
Người có nhu cầu ở thực cũng gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn
Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở (CBRE Việt Nam) cho rằng, trong năm qua, vấn đề pháp lý dự án chậm trễ vẫn là một trong những yếu tố tác động chính vào việc sụt giảm nguồn cung trên toàn thị trường. Trong đó, việc tín dụng của BĐS vẫn bị kiểm soát chặt cũng làm cho nhiều doanh nghiệp lâm vào thế khó trong việc triển khai dự án mới.
Đối với các hình thức huy động vốn khác, nhiều doanh nghiệp cũng đang phải xử lý các vấn đề phát sinh như trái phiếu, cổ phiếu giảm giá, cam kết lợi nhuận với các quỹ đầu tư...
Ngoài ra, khi thị trường tài chính chung đang phát sinh nhiều vấn đề thì niềm tin của nhà đầu tư suy giảm và ảnh hưởng tới nhu cầu mua, khả năng thanh khoản trên thị trường. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng tới khả năng triển khai các dự án mới của nhiều chủ đầu tư.
Còn theo ông Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, năm 2023 kinh tế thế giới khó khăn, kinh tế trong nước bị ảnh hưởng, thị trường BĐS sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp.
Nếu năm 2023, ngân hàng duy trì lãi suất cao, hoặc tiếp tục tăng lãi suất, doanh nghiệp BĐS sẽ chịu nhiều khó khăn nhất do chủ yếu nguồn vốn đi vay ngân hàng, người mua nhà cũng phải vay tiền, nên sẽ chịu tác động kép. Việc tăng lãi suất cũng làm giá bán BĐS tăng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay, thị trường BĐS giảm tính thanh khoản và trầm lắng kéo dài.
Cần có giải pháp căn cơ để giải quyết khó khăn dòng tiền, thanh khoản
Chia sẻ về giải pháp để doanh nghiệp vượt khó năm 2023, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vấn đề hiện nay là doanh nghiệp cần tìm những giải pháp căn cơ để giải quyết khó khăn dòng tiền, thanh khoản.
Để làm được điều này, đầu tiên là tối ưu chi phí, xem xét lại từ chi phí phát triển dự án, chi phí xây dựng, chi phí nhân sự. Cần lên phương án quản lý thật tốt dòng tiền này, hạn chế việc đầu tư dàn trải. Đồng thời, đối với các dự án đang bán, chủ đầu tư có thể đưa ra những điều chỉnh trong chính sách bán hàng, những chính sách về thanh toán nhanh.
Đối với các dự án có pháp lý tốt và chưa được đưa ra thị trường, chủ đầu tư có thể linh hoạt thúc đẩy nhanh việc hợp tác đầu tư, mua bán sáp nhập, bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh.
Mặt khác, đối với những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, doanh nghiệp có thể tận dụng thời điểm hiện nay để hoàn thiện đầy đủ thủ tục cần thiết, đặc biệt trong khâu pháp lý và chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên.
“Năm 2023 sẽ là một năm nhiều thách thức và khó khăn đối với thị trường, khi đứng trước các yếu tố bất khả kháng từ bên ngoài và những sự điều chỉnh cần thiết với thị trường vốn, thị trường BĐS. Đây cũng là thời gian chờ đợi thông qua Luật Đất đai sửa đổi, Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi” - ông Matthew Powell cho hay.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, hiện tại thị trường cần giải tỏa áp lực cho các chủ đầu tư thông qua việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt thủ tục pháp lý cho các dự án phù hợp, tháo gỡ áp lực kiểm soát dòng vốn vào thị trường.
Đối với nhà đầu tư cũ thì đây là giai đoạn phải tái cơ cấu lại các danh mục đầu tư, có sẵn các phương án thanh khoản cho trung hạn và dài hạn vì có khả năng thị trường sẽ duy trì nhịp độ chậm trong một thời gian dài. Còn đối với nhà đầu tư mới có tiền mặt thì đây là cơ hội để mua nhiều sản phẩm có chất lượng với mức giá thấp hơn thời điểm trước.