Thúc phân bổ vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Nhiều tồn tại trong phân bổ vốn
Một trong những yếu tố then chốt của việc giải ngân vốn đầu tư của 1 dự án nhanh hay chậm phụ thuộc vào việc được phân bổ vốn sớm hay muộn. Vì vậy, ngay sau khi nhận được kế hoạch vốn được giao, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện ngay việc phân bổ chi tiết nguồn vốn.
Có thể thấy, TP. Hồ Chí Minh đã rất tích cực trong việc đưa nguồn vốn đầu tư công vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo báo cáo từ UBND thành phố, trong năm 2023, địa phương được giao tổng vốn đầu tư công hơn 70.000 tỷ đồng (gồm 16.500 tỷ đồng vốn của trung ương, 55.200 tỷ đồng vốn của địa phương).
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phân bổ xong 100% nguồn vốn trung ương cho các công trình, dự án. Riêng vốn địa phương, còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, với số vốn chưa phân bổ khoảng 26.000 tỷ đồng. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang khẩn trương thực hiện, phấn đấu đến cuối tháng 3/2023 sẽ phân bổ hết nguồn vốn này.
Năm 2023, tổng nguồn vốn đầu tư công của TP. Hà Nội là 51.583 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn trung ương giao là 46.956 tỷ đồng. Đến nay, TP. Hà Nội đã phân bổ xong toàn bộ kế hoạch vốn trung ương giao. Hiện nay, Hà Nội đang tập trung thực hiện phân bổ nguồn vốn địa phương và nỗ lực áp dụng các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
![]() |
Thúc phân bổ vốn đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ảnh minh họa: Đức Minh |
Tại Hải Phòng, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố là 22.335 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương là 1.358 tỷ đồng. Với nguồn vốn được giao, Hải Phòng đã thực hiện phân bổ theo thứ tự ưu tiên và tập trung cho các dự án trọng điểm. Do đó, TP. Hải Phòng đã ưu tiên bố trí khoảng 30% tổng số vốn cân đối để tập trung cho các dự án, công trình trọng điểm năm 2023.
Cụ thể, tập trung bố trí vốn bảo đảm các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2023 để bố trí 100% nhu cầu vốn cho công tác giải phóng mặt bằng và tối đa 80% vốn cho công tác xây lắp. Đặc biệt, Hải Phòng kiên quyết chỉ bố trí vốn đầu tư công năm 2023 cho các dự án khởi công mới đã đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công…
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, mặc dù các bộ, ngành, địa phương rất tích cực triển khai phân bổ vốn nhưng việc phân bổ vốn hiện nay vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Đơn cử như một số bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ hết số kế hoạch vốn được giao như Văn phòng Trung ương Đảng; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Tòa án Nhân dân tối cao; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…
Đáng chú ý, còn nhiều bộ, cơ quan trung ương phân bổ cho dự án khởi công mới chưa có quyết định đầu tư (Bộ Xây dựng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam); phân bổ vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án chưa có dự toán chuẩn bị đầu tư được phê duyệt (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); phân bổ kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án không được giao vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam).
Khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công
Trước tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm còn thấp, bên cạnh đó, vẫn còn một lượng vốn đầu tư công đang chờ để phân khai chi tiết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Công điện số 123/CĐ - TTg yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.
Tại công điện, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được giao theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư các dự án khởi công mới sử dụng vốn đầu tư năm 2023 để sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; việc bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023; kịp thời kiến nghị phương án xử lý đối với số vốn chậm phân bổ theo quy định nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công./.
Tin cùng chuyên mục

Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT

Cách điều chỉnh hóa đơn đầu ra của hàng hóa bị thiếu đơn vị tính

Đấu tư dự án đầu tư mở rộng xong cho thuê có được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp?

Điều kiện để trích lập quỹ dự phòng tiền lương

Khoản tài trợ từ nhà cung cấp bằng tiền có được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp?
Tin khác

Chấm dứt hoạt động do thực hiện sáp nhập nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm nào?

Nguyên tắc lập Báo cáo tài chính với chi nhánh

Thủ tục chuyển đăng ký người phụ thuộc từ người nộp thuế này sang người nộp thuế khác

Hóa đơn lập sai thời điểm có bị coi là hóa đơn rủi ro về thuế?

Hàng bán bị trả lại, bên bán hàng hay bên mua hàng sẽ xuất hóa đơn?

Quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Cho doanh nghiệp nước ngoài thuê kho chứa hàng áp dụng thuế suất ra sao?

Hướng dẫn thủ tục xuất hóa đơn cho hàng hóa, dịch vụ được giảm giá

Doanh nghiệp có các chi nhánh, quyết toán thuế có phải khai riêng từng chi nhánh không?
