Tỉnh Thừa Thiên Huế nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng cuối năm
Đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân
Báo cáo từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 là mục tiêu quan trọng nhất để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.
Công chức Kho bạc Nhà nước Thừa Thiên Huế đang thực hiện kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư. Ảnh: H.T |
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về thực hiện đầu tư công năm 2022, nhiều văn bản chỉ đạo điều hành công tác thực hiện và giải ngân. Đồng thời, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ban ngành, địa phương, các chủ đầu tư xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tổ chức thực hiện để đạt mục tiêu đề ra; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án... Mặc dù vậy, kết quả giải ngân của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa cao. Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh đã giao chi tiết là 4.758,474 tỷ đồng. Tính đến ngày 15/10 vừa qua, số vốn đầu tư công của tỉnh đã giải ngân được 2.545,813 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện Thừa Thiên Huế đang đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân.
Nguyên nhân của việc giải ngân chưa cao là do trên địa bàn tỉnh đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp (nguồn đất đắp trên địa bàn thời gian qua chủ yếu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia như: đường cao tốc, tái định cư Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài...).
Ngoài ra, những tháng đầu năm 2022 thời tiết mưa lạnh kéo dài ảnh hưởng đến thi công trên thực địa; các tháng còn lại năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bước vào mùa mưa bão, lũ lụt nên việc triển khai thi công khó khăn và phức tạp. Do đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chưa đạt như kỳ vọng đề ra.
Ráo riết giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm, trong khi tổng số vốn cần giải ngân còn gần 1 nửa kế hoạch. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã đề ra, các tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư tập trung đang tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án vốn đầu tư công theo danh mục dự án được phân công.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang ráo riết chỉ đạo các sở, ngành, địa phương giải quyết vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo bàn giao mặt bằng để thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án có vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài, dự án ODA, dự án vốn ngân sách trung ương...; đồng thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã lưu ý các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác thanh quyết toán, tạm ứng, giải ngân khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành theo điểm dừng kỹ thuật để đảm bảo chất lượng; báo cáo kịp thời để điều chuyển vốn đầu tư của các dự án có khối lượng hoàn thành lớn nhưng thiếu vốn.
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu các sở, ngành chuyên môn tăng cường giải quyết hồ sơ trên môi trường mạng, thực hiện cơ chế xử lý hồ sơ một cửa đảm bảo đúng thời gian theo quy định của các trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư./.