"Tối nhiều hơn sáng", làm gì để doanh nghiệp nhà nước trở lại vai trò dẫn dắt?
Từ những gam màu buồn của doanh nghiệp nhà nước…
Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cuối tháng 3 vừa qua, nhiều đại diện các tập đoàn, tổng công ty (TCT) đã nêu rất nhiều những khó khăn, bất cập của DNNN, mà trong đó các cơ chế chính sách, quy định, thủ tục đang là rào cản lớn nhất.
Đơn cử như Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) Lê Minh Chuẩn cho biết, hiện cơ chế chính sách của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN có nhiều bất cập, không tự chủ được nhiều vấn đề, khi có dự án trình lên phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành, thời gian có thể lên đến hàng năm. Suốt 10 năm qua, TKV không thực hiện thêm một dự án mới nào mà chủ yếu hoàn chỉnh dự án đã có, do đó cơ hội phát triển hầu như không có. “Cơ chế, chính sách là quan trọng nhất để tháo gỡ cho DNNN” - ông Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh.
Các vướng mắc cần được tháo gỡ để doanh nghiệp nhà nước tăng sức cạnh tranh cả ở quốc tế và trong nước. Ảnh" TL |
Chia sẻ quan điểm này, bà Bùi Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) cho hay, hoạt động đầu tư của các TCT nhà nước rất khó khăn. Những năm qua, TCT này đầu tư rất ít, chủ yếu do khó khăn liên quan đến thủ tục đất đai, chuyển nhượng… Hơn nữa trong đầu tư, thu mua, tư nhân có thể quyết định rất nhanh, nhưng với DNNN thì không đơn giản. “Thủ tục, cơ chế ra quyết định với DNNN là rất dài, rất nhiều. Chúng tôi luôn cố gắng làm đúng nhất có thể, nhưng cũng không biết hôm nay đúng thì ngày mai xét lại còn đúng hay không” - Chủ tịch Vinafood1 nói.
Cơ chế về công tác cán bộ, tuyển dụng cũng là một vấn đề mà các DNNN đang thua thiệt so với các DN tư nhân. Để làm đúng quy định về công tác cán bộ thì phải thực hiện đủ quy trình 5 bước, điều này khiến cho DNNN khó có thể thực hiện nhanh, kịp thời trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Khẳng định các tập đoàn, TCT nhà nước hiện nay luôn mong muốn được làm việc, được cống hiến, nhưng với những khó khăn này, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho rằng, nếu không được tháo gỡ thì DNNN sẽ dần mất sức cạnh tranh cả ở quốc tế và trong nội địa.
…đến những trăn trở của Thủ tướng
Theo Tổng giám đốc Becamex Bình Dương Phạm Ngọc Thuận, DNNN có thể là công cụ của Nhà nước trong thu hút nguồn lực, không chỉ về đầu tư mà cả về nhân lực, tài chính từ khắp nơi trên thế giới đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Nhưng để làm được điều này, rất cần sự đồng hành của Chính phủ, bộ, ban, ngành tạo hành lang cơ chế thông thoáng, thu hút nguồn lực từ đại chúng cho phát triển nền kinh tế.
Những nỗi niềm chia sẻ của DNNN cũng là những trăn trở của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với sự phát triển của DNNN. “Chúng ta trăn trở vì DNNN chưa phát triển tương xứng với những gì đã có; trăn trở là có thể làm được một số việc, nhưng chưa làm được; trăn trở vì có thể mạnh hơn nữa, nhưng chưa lớn mạnh; trăn trở là 5 năm qua không có công trình nào lớn cả; trăn trở là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DNNN chưa làm được nhiều…” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, khu vực DNNN có rất nhiều đóng góp, chúng ta đều thấy, nhưng phải làm gì để nguồn lực rất lớn mà DNNN đang nắm giữ đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế. “Đây là điều cần phải nói cho hết, phải trăn trở, đau đáu phải làm hết trách nhiệm vì lợi ích của đất nước” - Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thổi luồng gió mới vào khu vực doanh nghiệp nhà nước
Từ những chỉ đạo của Thủ tướng, trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện, đã có những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, rõ ràng.
Cụ thể, về tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, dự thảo nghị quyết nêu nhiệm vụ khẩn trương rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của DNNN (như Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dầu khí...) theo hướng tạo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao trách nhiệm giải trình tối đa của hội đồng thành viên, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN để DNNN có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như các DN khác, hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Chú trọng khuyến tài trong doanh nghiệp nhà nước
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Thời gian qua, Chính phủ đã rất quan tâm, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có các DNNN. Đơn cử như các chính sách về giảm khấu hao, tái cấp vốn hỗ trợ cho Vietnam Airlines, bổ sung hàng chục ngàn tỷ đồng để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước, mặc dù điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước khó khăn. Để DNNN phát huy tốt nguồn lực, tiềm năng trong thời gian tới, một vấn đề Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh là chú trọng bộ máy, con người, phải tìm được nhân sự giỏi, có đủ năng lực đi kèm với các tiêu chí giám sát về vốn, hiệu quả, tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần quan tâm tháo gỡ các cơ chế chính sách để hỗ trợ DNNN. Về phía các DNNN cần phải nỗ lực, sáng tạo, đột phá để có thể thành công. |
Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả hơn theo các phương thức: lựa chọn thuê công ty kiểm toán lớn, uy tín thực hiện giám sát, kịp thời đưa ra cơ chế cảnh báo song song với vai trò quản lý nhà nước của bộ, ngành, cơ quan đại diện chủ sở hữu; đánh giá hiệu quả hoạt động của DN (bao gồm hoạt động đầu tư) theo tổng thể không tính riêng từng hoạt động, dự án cụ thể; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu DNNN trước cơ quan đại diện chủ sở hữu; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý thông tin về DNNN trên nguyên tắc đo lường được, khách quan, kịp thời và minh bạch.
Trong công tác cán bộ, nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả của DN, đặc biệt đối với các chức danh quản lý cao cấp và cho phép DN tự quyết định theo nguyên tắc thị trường. Đổi mới công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao để tuyển dụng hoặc thuê cán bộ chất lượng cao, có thể xem xét thí điểm sử dụng tổng giám đốc nước ngoài tại một số tập đoàn kinh tế, TCT; thực hiện cử thành viên hội đồng thành viên độc lập (các chuyên gia có trình độ, năng lực...) tham gia quản lý, điều hành.
Một giải pháp nữa liên quan đến vấn đề được nhiều DNNN đang đề cập là nghiên cứu chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của DN phục vụ nhiệm vụ đầu tư, tài trợ cho các vườn ươm trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng các sản phẩm đổi mới sáng tạo; đầu tư cho DN khởi nghiệp sáng tạo…
Bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp này, việc bắt tay triển khai ngay Đề án cơ cấu lại các DNNN giai đoạn 2021 – 2025 được Thủ tướng phê duyệt cuối tháng 3 vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo luồng gió mới, động lực mới, tháo bỏ “sức ì” ở khu vực DNNN./.