Triển khai phương án bình ổn vàng mới từ 3/6
Triển khai phương án bình ổn vàng mới từ 3/6. Ảnh: TL |
Tính từ tháng 4/2024 đến nay, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng miếng, trong đó hủy 3 phiên và 6 phiên có kết quả.
Thông qua các phiên đấu thầu, thị trường vàng đã được bổ sung 48.500 lượng vàng miếng SJC. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng miếng trong nước và thế giới vẫn không giảm, hiện vẫn duy trì ở mức 17 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia đều cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là liệu pháp tâm lý, không phải là giải pháp căn cơ.
Ông Shaokai Fan - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu Hội đồng Vàng thế giới cho rằng, kết quả các phiên đấu thầu vàng chưa rõ ràng do thời điểm Ngân hàng Nhà nước tiến hành đấu giá vàng diễn ra đúng vào thời điểm giá vàng trên thế giới tăng rất mạnh. Vì vậy, ngay cả khi nguồn cung trong nước có thể được tăng lên thông qua việc các phiên đấu thầu thì giá vàng trong nước vẫn tăng theo giá vàng thế giới. Chuyên gia này cho rằng, cách quan trọng nhất để thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới là phải cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng.
Về nỗi lo nhập khẩu vàng sẽ gây áp lực lên tỷ giá, ông Shaokai Fan cho rằng, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đứng trước tình trạng khó khăn này. Ấn Độ là một ví dụ điển hình, nước này đã có nhiều giải pháp để vừa tạo ra cân bằng cung – cầu vàng trong nước mà vẫn không bị ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài khoản vãng lai.
Thực tế, các quy định về nhập khẩu vàng của Việt Nam hiện nay rất chặt chẽ song bằng cách nào đó, vàng nhập khẩu vẫn vào Việt Nam qua các kênh khác nhau. Nói cách khác, Việt Nam vẫn đang phải chi lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, không phải từ nguồn chính thức thì sẽ là nguồn phi chính thức. Vì vậy, nếu Chính phủ cho phép nhập khẩu thì sẽ quản lý được tốt hơn./.