Xây dựng nghị định chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN quản lý
Thực hiện chuyển giao thay vì điều chuyển
Thời điểm năm 2016-2017, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn về việc bàn giao các công trình điện được đầu tư từ nguồn vốn nhà nước cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở các hình thức xử lý tài sản công (TSC) tại cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Bộ Tài chính đã lựa chọn hình thức điều chuyển để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc lựa chọn hình thức điều chuyển tại thời điểm đó là phù hợp vì quy định tại lúc đó mới chỉ có các hình thức: Thu hồi, điều chuyển, thanh lý, bán và tiêu hủy tài sản nhà nước. Không có hình thức khác.
Các công trình điện sử dụng vốn nhà nước sẽ được chuyển giao cho EVN quản lý thay vì điều chuyển như trước đây. Ảnh TL minh họa. |
Ngày 15/9/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 41/2017/QĐ- TTg (QĐ41) quy định trình tự, thủ tục điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý để làm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, số lượng công trình điện được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chuyển còn thấp, mới chỉ chếm khoảng 10,7% tổng số công trình EVN đã đồng ý tiếp nhận (302 công trình). Đồng thời, theo báo cáo của EVN, số lượng công trình điện mà Tập đoàn đã đồng ý tiếp nhận cũng mới chỉ chiếm khoản gần 20% số công trình các chủ tài sản đang quản lý dự kiến bàn giao sang cho EVN quản lý.
Trong khi đó, công trình điện là loại tài sản đặc thù, chỉ có ngành điện mới đủ chuyên ngành vận hành. Bên cạnh đó, chế độ khấu hao/hao mòn có sự khác nhau giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước và doanh nghiệp. Vì vậy, để bảo đảm việc quản lý vận hành liên tục, thông suốt đối với các công trình điện thì cần phải thực hiện bàn giao công trình điện cho cơ quan điện lực hạch toán, quản lý vận hành ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng.
Do đó, Chính phủ quyết định giao Bộ Tài chính dự thảo Nghị định quy định việc chuyển giao công trình điện là TSC sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý. Việc chuyển giao này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh việc chuyển giao các công trình điện do Nhà nước quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, kịp thời phục vụ việc cung cấp điện để phục vụ cuộc sống người dân.
Các công trình điện được chuyển giao là tài sản công
Bộ Tài chính cho biết, Nghị định quy định về việc chuyển giao công trình điện là TSC. Theo đó, công trình điện được chuyển giao theo quy định sẽ gồm: TSC tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội (cơ quan, tổ chức, đơn vị); TSC không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong khu đô thị, khu dân cư do chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn điều chuyển công trình điện theo QĐ41, dự thảo Nghị định quy định hình thức bàn giao công trình điện là TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị sang cơ quan điện lực quản lý là hình thức “chuyển giao” thay cho hình thức “điều chuyển”.
Theo đó, khi có công trình điện cần chuyển giao, bên giao lập hồ sơ đề nghị chuyển giao gửi Công ty điện lực quản lý địa bàn. Công ty điện lực quản lý địa bàn có trách nhiệm báo cáo cơ quan điện lực có thẩm quyền tiếp nhận.
Như vậy, hình thức “chuyển giao” sẽ cho phép cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý công trình điện và cơ quan điện lực thực hiện ngay việc bàn giao, tiếp nhận công trình điện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại dự thảo Nghị định mà không phải thông qua trình thự, thủ tục báo cáo các cấp có thẩm quyền để ra quyết định điều chuyển làm cơ sở bàn giao, tiếp nhận như hình thức “điều chuyển”.
Việc quy định như trên sẽ đảm bảo công tác vận hành các công trình điện được an toàn, kịp thời.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của bên giao: Tổ chức quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo đúng quy định của pháp luật đến thời điểm ký biên bản bàn giao tài sản sang cơ quan điện lực. Và bên nhận: Tổ chức quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản theo đúng quy định của pháp luật từ thời điểm ký biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản. Việc bổ sung này nhằm phân định rõ trách nhiệm của các bên để bảo đảm công trình điện được vận hành liên tục, xuyên suốt.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về việc xác định giá trị công trình điện trong trường hợp công trình không được hạch toán riêng mà hạch toán chung vào giá trị công trình xây dựng của đơn vị. Điều chỉnh quy định về thành phần hội đồng trong trường hợp thành lập hội đồng để xác định giá trị tài sản. Bổ sung quy định về chi phí thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định giá trị tài sản do bên giao và bên nhận thực hiện chi trả theo tỷ lệ 50/50. Đồng thời, quy định cụ thể nguồn kinh phí để chi trả cho các chi phí liên quan đến việc bàn giao, tiếp nhận công trình điện.