Xin ý kiến lần 2 dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 151/2017/NĐ – CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật về các nội dung: (i) Thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định: Giao, mua sắm, thuê, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; sử dụng TSC để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; mua sắm, thuê, phê duyệt phương án xử lý tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước; (ii) Quản lý vận hành, chuyển đổi công năng sử dụng TSC; sử dụng TSC để tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; khai thác, sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ khai thác, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (iii) Quản lý, sử dụng TSC được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; (iv) Khai thác kho số phục vụ quản lý nhà nước; (v) Hệ thống thông tin về tài sản công và Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; (vi) Công cụ tài chính quản lý rủi ro đối với tài sản công.
Ảnh TL minh họa |
Nghị định số 151/2017/NĐ-CP được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thực hiện quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua thực hiện rà soát các quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương, cho thấy còn phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định như:
Một số nội dung về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa có quy định hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện như: Trình tự, thủ tục giao tài sản bằng hiện vật cho cơ quan, tổ chức, đơn vị; thẩm quyền quyết định bảo dưỡng, sửa chữa, thuê đơn vị có chức năng quản lý vận hành tài sản công; khai thác tài sản công sau thu hồi;...
Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giao Chính phủ nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, bảo đảm nguồn thu ổn định từ đất đai. Tuy nhiên, quy định hiện hành về bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp thì chỉ có hình thức giao đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Một số trường hợp áp dụng theo trình tự, thủ tục xử lý TSC như quy định hiện hành chưa phù hợp như: xử lý TSC trong trường hợp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể do quy trình xử lý tài sản công hiện hành được xuất phát từ cơ quan được giao quản lý, sử dụng tài sản đề xuất, lập hồ sơ đề nghị xử lý. Tuy nhiên, trong các trường hợp này, có thể cơ quan được giao quản lý, sử dụng TSC không còn tồn tại do đã bị sáp nhập, hợp nhất, giải thể nên không thể áp dụng trình tự, thủ tục xử lý tài sản công thông thường.
Một số loại TSC đặc thù cần phải được xử lý theo quy định riêng tại pháp luật chuyên ngành nhưng chưa có quy định loại trừ hoặc dẫn chiếu làm cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị lúng túng trong áp dụng pháp luật như: vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các sản phẩm cơ yếu,...
Các quy định về sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế: Tại điểm 4 Thông báo số 99/TB-VPCP ngày 11/5/2021 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền việc xem xét sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết). Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình sử dụng TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong thực tế thực hiện còn một số vướng mắc như:
- Việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều vướng mắc do không có cơ sở để đánh giá chấm điểm đối với từng tiêu chí.
- Trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác liên doanh, liên kết không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt Hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, quy định hiện hành không có quy định cụ thể cho trường hợp này dẫn đến lúng túng trong xử lý.
- Chưa có quy định về việc điều chỉnh giá cho thuê tài sản công, gia hạn hợp đồng cho thuê tài sản công.
- Việc xác định tiền thuê đất khi sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết còn gặp khó khăn; các cơ quan chức năng của địa phương còn có cách hiểu khác nhau trong việc xác định đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất khi sử dụng tài sản gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết thì có phải ký Hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường làm cơ sở xác định tiền thuê đất hay không.
Vì vậy, để hoàn thiện các quy định chi tiết về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ - CP là cần thiết.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ - CP và Giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của bộ, cơ quan trung ương, địa phương