Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công
Bộ Tài chính cho biết, để triển khai thi hành và đôn đốc thực hiện các nội dung được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) và văn bản quy định chi tiết, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 1/11/2016, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019, đồng thời Bộ Tài chính có nhiều công văn đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nội dung về quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bộ Tài chính yêu cầu kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công. Ảnh minh họa |
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng TSC tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã đạt được những kết quả quan trọng, công tác quản lý TSC dần đi vào nề nếp, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khai thác hiệu quả nguồn lực tài chính từ TSC. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc để xảy ra vi phạm.
Để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng TSC và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng trực thuộc thực hiện kiểm tra chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Việc kiểm tra chuyên đề được thực hiện trong năm 2023 theo đề cương. Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm tra vào báo cáo tình hình quản lý, sử dụng TSC năm 2023 của đơn vị, địa phương mình quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chỉ đạo, giao các cơ quan có chức năng thanh tra trực thuộc thực hiện đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm và tổ chức thanh tra đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra sai phạm; thanh tra đột xuất đối với các trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị có cơ sở hoặc được dư luận xã hội quan tâm.
Bộ Tài chính cho biết, mục đích của việc kiểm tra là để xem xét, đánh giá việc quản lý, sử dụng TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là việc khai thác TSC, sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Phát hiện những bất cập, sai sót, vi phạm trong việc quản lý, sử dụng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Phát hiện các quy định còn hạn chế, vướng mắc hoặc chưa phù hợp với thực tiễn để kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Do đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện việc kiểm tra phải bảo đảm đúng pháp luật, chính xác, khách quan, công khai; không gây cản trở, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra. Hoạt động kiểm tra phải bảo đảm sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, không trùng lặp với hoạt động thanh tra, kiểm tra khác đối với một đơn vị trong cùng thời gian. Kết hợp giữa việc tự kiểm tra của đối tượng được kiểm tra với việc kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền./.