Cần có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu điện
Thiếu điện do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cho biết, tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023. Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. EVN đã phải tiến hành điều tiết giảm phụ tải tại miền Bắc.
Cần giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng thiếu điện, tăng giá. Ảnh: TL |
Chia sẻ về tình trạng thiếu điện hiện nay tại tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?”, do Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cho biết, trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì. Về khách quan, thiếu điện do nguyên nhân nắng nóng và hạn hán là việc của trời nhưng không phải chúng ta không dự báo trước được.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thiếu điện, cắt điện luân phiên, đặc biệt là tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc có cả nguyên nhân chủ quan. Việc chậm đưa các dự án điện tái tạo, điện gió, điện mặt trời vào hòa lưới điện thương mại là một thực tế. |
Hơn nữa, đường truyền tải điện cũng là vấn đề. Hiện không thể truyền tải nhiều điện từ miền Nam, miền Trung ra cứu miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải. Do đó, phải xác định việc thiếu điện sẽ còn kéo dài thời gian tới.
Để khắc phục tình trạng thiếu điện, theo ông Cung, phải thay đổi cách thức vận hành theo cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Đồng thời, cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như kìm hãm sự phát triển. Do đó, phải thay đổi từ cách làm chính sách. Với tình trạng thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết, như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt.
Không phải cứ thua lỗ là xin tăng giá
Không chỉ lo ngại việc thiếu điện đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội, đề xuất tiếp tục tăng giá điện của EVN cũng nhận được nhiều ý kiến của chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội.
Đề cập đến tình trạng thiếu điện, ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, bày tỏ mong muốn Bộ Công thương qua thanh tra sẽ chỉ ra rõ nguyên do thiếu điện.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, việc thiếu điện hiện nay phải nói đến quy hoạch điện. Việc lập quy hoạch, tính toán xây dựng và phê duyệt quy hoạch có vấn đề bất cập, thể hiện ở chỗ dự báo, tính toán không sát nhu cầu và đòi hỏi, tiềm năng phát triển để sản xuất hài hòa các nguồn điện khác nhau. Như vậy, việc tính toán giữa sản xuất và tiêu dùng tại chỗ không được đề cập đúng mức, cho nên phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) càng đè nặng lên truyền tải, dẫn đến tình trạng nơi thiếu, nơi thừa điện.
Điện năng lượng tái tạo cần sớm được đưa vào cung ứng cho lưới điện. Ảnh: TL |
Việc thực hiện quy hoạch cũng có sự chuệch choạc. NLTT phát triển rất nóng, phân bổ không đều và thiếu sự kiểm soát, cho nên dẫn đến vỡ quy hoạch. Việc đầu tư NLTT gấp 20 lần quy hoạch rõ ràng là thiếu kiểm soát.
Về giá điện, hiện giá điện vừa tăng 3% vào đầu tháng 5/2023, EVN lại nóng lòng đề xuất tiếp tục tăng giá điện vào tháng 9/2023 để bù đắp thua lỗ liên tiếp thời gian qua.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Việc EVN báo lỗ có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan như EVN đã giải trình. Tuy nhiên theo tôi, cũng có nguyên nhân chủ quan nằm ở sự quản trị kinh doanh, tính toán của doanh nghiệp. Cần rà soát, nghiên cứu cẩn trọng nguyên nhân tại sao EVN sản xuất kinh doanh lại thua lỗ trong thời gian dài như thế. Từ đó, mới thấy được điểm nghẽn để tháo gỡ, chứ không phải cứ hễ thua lỗ lại tăng giá điện, vô tình phần thiệt thòi lại đổ về người dân”.
Ngày 6/ 6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện giao Bộ Công thương và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp về cung ứng điện, trong đó có việc tiến hành thanh tra EVN. Ngày 10/6, Bộ Công thương chỉ đạo tiến hành khẩn trương, quyết liệt việc thành tra hoạt động của EVN trong thời gian 30 ngày kể cả ngày nghỉ để nhanh chóng báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |