Đảm bảo dự toán cân đối ngân sách năm 2021
Chính phủ đã yêu cầu triệt để tiết kiệm để tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: TL. |
Trước diễn biến phức tạp, kéo dài, khó lường và diễn ra trên diện rộng của dịch Covid-19, đến nay ngân sách Trung ương (NSTW) đã phải sử dụng phần lớn dự phòng cho nhiệm vụ phòng chống Covid-19.
Đối với các địa phương, tính đến hết tháng 8/2021 cũng đã sử dụng 16,3 nghìn tỷ đồng trên tổng số 20,3 nghìn tỷ đồng cho nhiệm vụ phòng chống dịch và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh khác.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động điều chỉnh, rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai (bao gồm cả vốn ODA chậm giải ngân) theo quy định, để tập trung nguồn lực chi cho phòng, chống dịch Covid-19.
Đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự phòng NSTW là 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của NSTW năm 2021; các địa phương cũng được bổ sung dự phòng ngân sách địa phương (NSĐP) từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên của NSĐP năm 2021 khoảng 6 nghìn tỷ đồng, để chi cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh nguồn dự phòng, Trung ương cũng dành thêm các nguồn lực khác (như: nguồn tiết kiệm chi và nguồn chưa sử dụng năm 2020 chuyển sang năm 2021) và huy động sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức khác thông qua Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 để chi cho công tác phòng chống dịch, với tổng nguồn lực khoảng 55,7 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả số kinh phí 14,62 nghìn tỷ đồng nêu trên). Đến nay đã sử dụng khoảng 30 nghìn tỷ đồng, còn khoảng 25,7 nghìn tỷ đồng.
Các địa phương cũng dành thêm nguồn lực từ Quỹ dự trữ tài chính, nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi thường xuyên để chi cho phòng chống dịch. Tổng nguồn lực dự kiến là 46 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả số kinh phí 6 nghìn tỷ đồng nêu trên), đến hết tháng 8/2021 đã chi cho công tác phòng chống dịch là 25,8 nghìn tỷ đồng, còn lại khoảng 20,2 nghìn tỷ đồng.
Với nguồn lực còn lại của trung ương và địa phương, trong bối cảnh thu NSNN từ hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm, nhất là ở các địa phương trọng điểm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; NSNN phải tăng chi lớn cho phòng chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, để đảm bảo nguồn lực cho phòng chống dịch, Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cân đối NSNN.
Bên cạnh đó, tiếp tục huy động thêm các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công tác phòng chống Covid-19, giảm áp lực cho cân đối NSNN.
Với việc thực hiện các giải pháp nêu trên, cùng với việc triển khai tiêm chủng cho người dân trên diện rộng và tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam đang được kiểm soát theo hướng ngày càng tích cực, các hoạt động sản xuất - kinh doanh ở một số địa phương đang dần được nới lỏng từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, dự kiến nhu cầu chi cho phòng, chống dịch trong những tháng còn lại của năm sẽ bớt căng thẳng. Do đó, Chính phủ đảm bảo dành đủ nguồn lực phòng chống dịch và cân đối NSNN, mà không phải trình Quốc hội điều chỉnh tổng thể dự toán NSNN năm 2021./.